Cùng đi có Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Nguyễn Thị Minh Hằng; các cán bộ, đảng viên là lãnh đạo chủ chốt các ban, phòng; đại diện Ban Chấp hành Công đoàn, Đoàn Thanh niên và một số quần chúng ưu tú của Báo Đại biểu Nhân dân.
Đón và làm việc với Đoàn, về phía huyện Yên Dũng có: Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Văn Chung; Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Tạ Quang Khải; Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Văn Thanh; các Ủy viên Ban thường vụ huyện ủy và lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị của huyện ủy, HĐND và UBND huyện...
Tại cuộc sinh hoạt chuyên đề, lãnh đạo Báo Đại biểu Nhân dân và huyện Yên Dũng đã trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; việc củng cố và xây dựng mối đoàn kết trong các cơ quan, đơn vị; kinh nghiệm trong công tác thông tin, tuyên truyền về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng nói chung cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cơ sở Báo Đại biểu Nhân dân và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Dũng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025...
Bí thư huyện ủy Thạch Văn Chung cho biết, Yên Dũng là huyện nằm sát TP. Bắc Giang, liền kề với "khu tam giác kinh tế" phía Bắc và gần các trung tâm đô thị lớn như TP. Hà Nội, Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Với diện tích tự nhiên trên 19 nghìn ha, dân số trên 162 nghìn người, trong đó số người trong độ tuổi lao động khoảng 90 nghìn người, Yên Dũng được xác định là một trong 4 huyện, thành phố trọng điểm trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang. Đảng bộ huyện Yên Dũng có truyền thống đoàn kết thống nhất, nhân dân cần cù, sáng tạo.
Thực hiện Nghị quyết số 233-NQ/TU, ngày 25.7.2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang và Kế hoạch số 479/KH-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang về chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022-2025, huyện Yên Dũng đã tiến hành rà soát, tham gia ý kiến dự thảo Đề án nhập địa giới hành chính huyện Yên Dũng với TP. Bắc Giang; chỉ đạo rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện hoàn thành các tiêu chí phường đối với 7 xã, thị trấn trên địa bàn huyện...
Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, cũng như nhiều địa phương, đơn vị trên cả nước, vượt qua mọi khó khăn, thách thức của dịch Covid-19, với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và cả hệ thống chính trị, Yên Dũng đã hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, đồng thời hỗ trợ, chi viện một số địa phương, cơ sở khác trong công tác này. Năm 2021, Đảng bộ huyện Yên Dũng được Đảng bộ tỉnh Bắc Giang trao tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu và trao tặng Bằng khen. Cũng trong năm 2021, huyện Yên Dũng vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và Thủ tướng Chính phủ ký tặng Bằng công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Tỉnh Bắc Giang nói chung, trong đó có huyện Yên Dũng, bên cạnh thời cơ, thuận lợi là cơ bản cũng có khó khăn, thách thức đan xen, như những diễn biến nhanh, khó lường của tình hình thế giới, sự sụt giảm các nền kinh tế lớn, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các vấn đề về xuất khẩu, lạm phát; sự trầm lắng, sụt giảm thị trường bất động sản…
Trước tình hình đó, Huyện ủy, HĐND huyện Yên Dũng đã tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo, UBND huyện chỉ đạo, điều hành linh hoạt, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tổng giá trị sản xuất (theo giá năm 2010) ước đạt trên 9.642 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm đạt 8,71%. Trong đó, ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 1,74%; ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng tăng 9,64%, ngành thương mại - dịch vụ tăng 6,16%.
Năm 2023, huyện Yên Dũng tập trung chỉ đạo thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, trong đó tập trung đối với 3 xã đăng ký xây dựng xã nông thôn mới nâng cao (Đồng Việt, Trí Yên, Lão Hộ), 2 xã đăng ký xã nông thôn mới kiểu mẫu (Cảnh Thuỵ, Lãng Sơn) và 13 thôn đăng ký thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, xã Cảnh Thụy đã hoàn thiện các tiêu chí và hồ sơ chứng minh xã nông thôn mới kiểu mẫu, được các sở, ngành của tỉnh Bắc Giang tổ chức thẩm định. Đến nay, toàn huyện Yên Dũng có 5 xã nông thôn mới nâng cao, gồm: Lãng Sơn, Xuân Phú, Cảnh Thuỵ, Tiến Dũng, Tư Mại. Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng đã ban hành Quyết định công nhận thôn Hồng Sơn (xã Lãng Sơn) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023, nâng tổng số thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu lên 19 thôn.
Yên Dũng cũng đã xây dựng, ban hành, triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn năm 2023, trong đó dự kiến năm 2023 có 7 - 8 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.
Việc thực hiện chính sách xã hội trên địa bàn được quan tâm chỉ đạo. Công tác thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm thực hiện. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư, toàn huyện có 49 học sinh đạt học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh,xếp thứ 5 toàn tỉnh Bắc Giang về số lượng và chất lượng giải, tăng 3 bậc so với năm học 2021-2022. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 100%, phòng học kiên cố đạt 96,16%... Cũng trong nửa đầu năm 2023, huyện Yên Dũng đã triển khai Kế hoạch về chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Hoàn thành số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực. Tỷ lệ số hóa hồ sơ các hồ sơ mới tiếp nhận và giải quyết đạt hơn 82% xếp thứ 4/10 huyện, thành phố của tỉnh Bắc Giang…
Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Văn Chung nêu rõ, chặng đường phía trước của Yên Dũng bên cạnh những thuận lợi là cơ bản cũng còn không ít khó khăn, thách thức, cùng với nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ huyện tiếp tục vững mạnh, thì cần duy trì được tốc độ phát triển kinh tế, tạo sự ổn định và niềm tin trong nhân dân chuẩn bị bước sang giai đoạn phát triển mới - chuẩn bị các điều kiện để nhập địa giới hành chính với TP. Bắc Giang trong lộ trình phấn đấu trở thành đô thị loại I vào năm 2025. Trong quá trình đó, bên cạnh quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp còn cần sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan thông tấn báo chí cả nước nói chung và Báo Đại biểu Nhân dân nói riêng - cơ quan báo chí đã và đang có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của huyện Yên Dũng.
Vì thế, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Văn Chung mong muốn trong chặng đường sắp tới, Yên Dũng tiếp tục nhận được sự đồng hành, ủng hộ, chia sẻ của các cơ quan báo chí nói chung và Báo Đại biểu Nhân dân nói riêng, giúp Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện hoàn thành tốt các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó.
Thay mặt Đảng ủy - Lãnh đạo Báo Đại biểu Nhân dân, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền chúc mừng những thành tích, kết quả nổi bật Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Yên Dũng đã đạt được; chân thành cảm ơn những chia sẻ rất chân tình, gần gũi của lãnh đạo huyện ủy Yên Dũng về sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực của huyện, trong đó có những bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua cũng như phương hướng, nhiệm vụ của huyện trong thời gian tới.
Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo ĐBND cũng bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của tập thể lãnh đạo và chính quyền huyện Yên Dũng đối với các cơ quan báo chí nói chung, trong đó có Báo Đại biểu Nhân dân.
Với những kết quả đã đạt được, đặc biệt trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện, trong vai trò là cơ quan ngôn luận, tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của ĐBQH, HDND và cử tri, Báo Đại biểu Nhân dân sẽ luôn đồng hành, gắn bó với huyện Yên Dũng - Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân khẳng định.
Nhân dịp này, tại huyện Yên Dũng, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cùng lãnh đạo huyện ủy, HĐND, UBND huyện Yên Dũng và Đoàn đã đến dâng hương tại Chùa Vĩnh Nghiêm (Chùa Đức La) - chốn tổ của Phật giáo Việt Nam.
Là ngôi chùa cổ tọa lạc tại làng Đức La (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng), Chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang là nơi lưu giữ bộ mộc bản gốc duy nhất của Phật phái Trúc lâm, đã được UNESCO trao Bằng công nhận 3.000 mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu ký ức thế giới. Chùa được công nhận là một trung tâm Phật giáo, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước, nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam. Năm 2015, chùa được Nhà nước Việt Nam công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Tọa lạc nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương (gọi là ngã ba Phượng Nhãn), chùa Vĩnh Nghiêm nhìn ra ngã ba sông, phía Lục Đầu Giang - Kiếp Bạc, vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào núi Yên Tử. Bao quanh chùa là núi non trong đó có núi Cô Tiên. Bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo, đền Kiếp Bạc.
Tương tuyền chùa Vĩnh Nghiêm được khởi dựng vào thời Lý (thế kỷ XI). Cuối thế kỷ XIII, (1010-1028) Phật hoàng Trần Nhân Tông cho mở mang, xây dựng nơi đây thành trung tâm Phật giáo lớn của thời Trần, đổi tên chùa là Vĩnh Nghiêm, gắn liền với sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Với vai trò là một trong chốn tổ của thiền phái, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng với quy mô kiến trúc bề thế, nhiều hạng mục, mang tính quy chuẩn, mẫu mực của kiến trúc chùa tháp truyền thống. Đây là ngôi chùa cổ có kiến trúc giàu bản sắc Phật Việt nhất mà không ngôi chùa nào trong vùng có được, xứng danh là một “đại danh lam cổ tự”.
Trong chùa hiện còn thờ Tượng Phật, tượng các vị Tổ dòng Trúc Lâm, tượng các vị sư Tổ sau này, tượng Hộ pháp, tượng La Hán… Trong chùa còn có chiếc mõ dài gần nửa mét, được sơn đen bóng, lỗ thoát âm có đề hai dòng chữ Phạn.
Chùa Vĩnh Nghiêm xưa là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo nên là nơi tàng trữ để các bộ ván kinh xưa rộng tới 10 gian nhà. Đó là những bộ ván kinh có từ 700 năm nay, là kho sách cổ vô cùng quý giá, như: Sa di tăng Sa di lì tỷ khiêu lỵ (348 giới luật), bộ Yên Tử nhật trình từ thế kỷ 15 (quá trình hình thành phái Trúc Lâm), Hoa nghiêm sớ, Di đà sớ sao, Đại thừa chỉ quán, Giới kinh ni... Ngày nay có nhiều kệ ván in kinh sử vẫn còn tại chùa. Người xưa gọi đây là khắc in, minh chứng chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lãnh 72 chốn tùng lâm...
Tại đây, sau khi nghe giới thiệu về lịch sử hình thành của nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Thanh Vịnh đã trao cuốn sách Viên Liễu Phàm Tứ Huấn (mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm) tặng Báo Đại biểu Nhân dân.
Tiếp đó, Đoàn cũng đã đến dâng hương tại Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng; thăm mô hình trồng rau sạch tại xã Trí Yên.