ĐBQH Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) đặt câu hỏi: tại sao khi xây dựng nhà từ 24 tầng trở lên phải do Bộ Xây dựng thẩm định và cấp phép, trong khi hầu hết các nước trên thế giới có thể do các đơn vị tư vấn và có đủ năng lực thẩm định, cấp phép và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định và cấp phép của mình? Ngoài ra, hiện nay, Bộ Xây dựng chỉ có một đơn vị tư vấn thẩm định và không đáp ứng được nhu cầu phát triển nhà cao tầng hiện nay. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới có giao cho các đơn vị ngoài Bộ Xây dựng có đủ năng lực, điều kiện thẩm định hay không?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Lê Thanh Nghị nêu rõ, hiện nay, Bộ Xây dựng theo thẩm quyền được giao thẩm định các công trình đặc biệt, còn lại là các địa phương tiến hành thẩm định, các cơ quan chuyên môn về xây dựng ở địa phương tiến hành thẩm định. Đối với các công trình xây dựng, Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng địa phương thẩm định các công trình dân dụng, còn các công trình xây dựng, các lĩnh vực khác do các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành khác tiến hành thẩm định.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác đầu tư xây dựng cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định xác định tiếp tục phân cấp cho địa phương, cơ quan chuyên môn và xây dựng địa phương thẩm định các công trình dự án nhóm B và cấp 2 trở xuống. "Với nhóm công trình này, hiện nay trong tổng số hồ sơ mà Bộ Xây dựng thẩm định đã chiếm 61%. Khi Nghị định này được ban hành chính thức thì sẽ giảm đáng kể số lượng hồ sơ thẩm định tại Bộ Xây dựng. Trong thời gian tới, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu quy định về pháp luật làm sao đơn giản hóa các thủ tục thẩm định liên quan đến các dự án cũng như thiết kế kỹ thuật của các dự án đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm cải cách hành chính và tăng cường công tác quản lý nhà nước của ngành, đảm bảo chất lượng, an toàn của công trình trong cái thời gian tới", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ. Riêng cấp phép xây dựng, Bộ trưởng cho biết hiện nay đã phân cấp toàn diện cấp phép xây dựng cho các địa phương.
ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) nêu thực tế, cơ chế đấu thầu hợp đồng trọn gói hoặc theo đơn giá cố định sẽ không được điều chỉnh giá trong khi giá có thể biến động rất lớn, không thể lường trước được khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trúng thầu các công trình có vốn từ ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ bị phá sản. "Bộ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề này? Giải pháp của Bộ trưởng về vấn đề này trong thời gian tới ra sao?", đại biểu Dương Văn Phước đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đúng như đại biểu phản ảnh trong thời gian qua giá vật liệu tăng mạnh và điều này tác động lớn đến công tác quản lý, thực hiện hoạt động xây dựng cũng như là quản lý thực triển khai thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là dự án trọng điểm quốc gia, các dự án đầu tư công.
Trước tình hình thực tế nói trên, Bộ trưởng nêu rõ, Bộ Xây dựng đã triển khai các nhiệm vụ như tổ chức hội nghị, gửi văn bản để yêu cầu về hướng dẫn các địa phương công bố giá vật liệu xây dựng theo đúng quy định pháp luật và tăng tần suất công bố lên, thường xuyên cập nhật điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng cũng như chỉ số giá xây dựng. Bộ cũng đã tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương công bố giá vật liệu xây dựng. "Thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát lại các quy định của pháp luật về đầu tư cũng như hợp đồng xây dựng để có đề xuất phù hợp hơn với diễn biến thực tế của tình hình, quy định rõ các trường hợp bất khả kháng", Bộ trưởng nêu rõ.