Báo cáo về nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã được Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương việc tiếp thu, giải trình, bổ sung, hoàn thiện theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy.
Đánh giá các yếu tố và điều kiện đặc thù của Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, quy mô nền kinh tế Thủ đô liên tục mở rộng, củng cố vị thế là trung tâm kinh tế lớn thứ hai cả nước, đời sống người dân được cải thiện. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn so với yêu cầu và mục tiêu đặt ra, còn những điểm nghẽn, hạn chế.
Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị đã xác định phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước". Để thực hiện mục tiêu đặt ra, các nội dung, phương án quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội được nghiên cứu trên cơ sở các yếu tố văn hóa, văn hiến, văn minh, hiện đại của Thăng Long - Hà Nội, được coi như là triết lý phát triển: “phát sáng nhân tài; khai phóng trí tuệ; lan tỏa nhân văn; hòa điệu thiên nhiên; tiến cùng thời đại”.
Mục tiêu tổng quát trong Quy hoạch Thủ đô, đến năm 2030 Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và kinh tế chia sẻ; thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu, hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế...
Báo cáo về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công 2024 và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, kế hoạch đầu tư công năm 2024 cấp thành phố là 47.410 tỷ đồng. Đến nay đã phân bổ 28.618 tỷ đồng và còn 18.792 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết.
Phương án điều chỉnh, phân bổ kế hoạch vốn năm 2024 là 12.078 tỷ đồng từ nguồn đã dự kiến nguồn vốn cho các nhiệm vụ từ đầu năm là 8.340,5 tỷ đồng và điều chỉnh giảm nguồn vốn bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (GPMB) là 3.737,5 tỷ đồng cho một số nhiệm vụ, dự án.
Năm 2024, Trung ương giao kế hoạch vốn đầu tư công là 81.033 tỷ đồng (gấp 1,72 lần kế hoạch năm 2023). Để đẩy nhanh khả năng thực hiện các dự án và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố đề xuất tiếp tục phân bổ cho các nhiệm vụ, dự án từ nguồn giải phóng mặt bằng, số vốn còn lại sau phân bổ là 4.941,8 tỷ đồng đảm bảo nhu cầu vốn (nếu có) trong trường hợp phát sinh thêm so với kế hoạch giao cho từng dự án.
Về kinh phí ngân sách các quận hỗ trợ các huyện năm 2024, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố đề xuất cho phép 5 quận (Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm) hỗ trợ 10 huyện, thị xã (Ba Vì, Sóc Sơn, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Sơn Tây, Phúc Thọ, Quốc Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ) giai đoạn 2024 - 2025 với kinh phí 213,658 tỷ đồng cho 19 dự án.
Về tình hình phân bổ kế hoạch vốn trung hạn cấp cho Hà Nội đến nay là 254.315,7 tỷ đồng; đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 242.732,7 tỷ đồng, còn 11.583 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết. Kế hoạch vốn đầu tư công cấp thành phố bố trí hàng năm giai đoạn 2021 - 2024 đến nay là 144.878 tỷ đồng (chiếm 57% kế hoạch), còn lại phải bố trí là 109.437 tỷ đồng (chiếm 43% kế hoạch)…