Đó là bệnh nhân nữ T. X. Đ, sinh năm 1990, ngụ ở Hậu Giang, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ với tình trạng đau ngực trái, đã đặt ống dẫn lưu màng phổi phải. Trước đó 8 ngày, bệnh nhân đi xe máy bị tai nạn giao thông sau đó khó thở, đau ngực, gãy đa xương sườn được chuyển đến bệnh viện địa phương cấp cứu, sau đó chuyển đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Bệnh nhân được hội chẩn với chẩn đoán vỡ phế quản gốc phải, gãy đa xương sườn 1-2 phải, xẹp thụ động nhu mô phổi phải, tổn thương phế nang phổi phải, tràn khí, tràn dịch màng phổi phải. Niêm mạc phế quản gốc phải sung huyết, mất vòng sụn phế quản, bít tắc ống soi không thể di chuyển xuống phế quản gốc bên phải.
Ngay sau đó, ê-kíp phẫu thuật Khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu thực hiện mở ngực phải, vào khoang màng phổi phải ghi nhận phổi xẹp hoàn toàn, lấy ra 300ml dịch mủ, vỏ màng phổi dầy, dính, phế quản gốc phải đứt rời, phế quản thùy trên phổi phải dập nát. Các bác sĩ đã tiến hành cắt thùy trên phổi phải, nối phế quản gốc phải với phế quản trung gian, rửa sạch khoang màng phổi, ca phẫu thuật thành công sau 9 giờ căng thẳng.
Ngày 21.5, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, phổi thông khí tốt, sức khỏe ổn định và được xuất viện.
Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực – mạch máu bệnh viên Đa khoa Trung ương Cần Thơ, BS.CK2 Trầm Công Chất - (phẫu thuật viên chính) cho biết, vỡ khí – phế quản là tổn thương hiếm gặp trong chấn thương ngực (khoảng 1 – 3%). Tổn thương thường nặng khi có khoảng 30 – 80% nạn nhân tử vong trước khi đến viện. Việc chẩn đoán được sớm có vai trò rất quan trọng, giúp hạn chế các biến chứng nặng nề và bảo đảm khả năng phục hồi. Tuy nhiên, trên lâm sàng điều này thường khó đạt được. Các nghiên cứu cho thấy có đến 50 – 90% trường hợp bị bỏ sót và được chẩn đoán muộn (>24 – 48 giờ), thời gian trung bình chẩn đoán để được phẫu thuật theo các nghiên cứu là 7 ngày, bởi các biểu hiện lâm sàng thường không đặc hiệu như nhịp thở nhanh, mạch nhanh, khó thở, tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, tràn khí dưới da cổ ngực dẫn tới các chỉ định chẩn đoán xác định (soi khí – phế quản) thường chậm trễ. Hơn nữa, đa số các bệnh nhân thường có những tổn thương phối hợp khác kèm theo (chấn thương sọ não, bụng, cột sống…), khiến cho việc nhận định triệu chứng nhiều khi khó chính xác.
Sự thành công của ca phẫu thuật kéo dài suốt 9 giờ nói trên cho thấy sự phối hợp rất nhịp nhàng, hiệu quả của nhiều chuyên khoa. Đặc biệt là trình độ chuyên môn của bác sĩ chuyên khoa ngoại lồng ngực trong phẫu thuật cấp cứu, cứu sống những ca nguy kịch mang lại niềm tin cho người dân đồng bằng sông Cửu Long.