Bé trai 1 tháng tuổi suy hô hấp, viêm phổi nặng do virus RSV

Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ thông tin, tiếp nhận và cấp cứu kịp thời bé trai 1 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi nặng do virus hợp bào hô hấp (RSV).

Đó là bệnh nhi N.N.S (trú tại Việt Trì,Phú Thọ) được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ vào đêm ngày 11.4, trong tình trạng khó thở, tím tái, suy hô hấp nặng kèm theo tình trạng khò khè nhiều, xuất tiết nhiều đờm dãi.

Theo lời kể của gia đình, trước đó trẻ đã diễn biến bệnh ở nhà 2 ngày với triệu chứng ho nhẹ, chảy mũi trong, đã được gia đình cho dùng thuốc nhưng tình trạng không cải thiện mà ngày càng trở nặng, trẻ bú kém hơn kèm theo khó thở nhiều.

chau-be-2048x1662.jpg
Bác sĩ thăm khám và điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Qua thăm khám lâm sàng, nhận định đây là tình trạng khẩn cấp, trẻ có tình trạng suy hô hấp nặng, bệnh nhi ngay lập tức được các bác sĩ trực cấp cứu tiến hành đặt ống nội khí quản, hút đờm làm thông thoáng đường thở, thở máy để điều trị suy hô hấp.

Sau khi được xử trí cấp cứu, tình trạng trẻ ổn định về hô hấp, tuần hoàn, trẻ được chỉ định làm xét nghiệm, chụp Xquang tim phổi, siêu âm tim và được chẩn đoán suy hô hấp nặng, viêm phổi nặng do virus hợp bào hô hấp (RSV). Đồng thời, trẻ được điều trị theo phác đồ chống suy hô hấp, điều trị viêm phổi bao gồm thở máy, kháng sinh, điều chỉnh rối loạn toan kiềm, duy trì dinh dưỡng bằng sữa qua ống thông dạ dày, vỗ rung long đờm khi bít tắc đường thở.

Sau 2 ngày điều trị tích cực, tình trạng hô hấp cải thiện, trẻ được rút ống nội khí quản, chuyển sang thở oxy. Sau 4 ngày điều trị, sức khoẻ của trẻ có nhiều chuyển biến tốt, trẻ đã bú được, tình trạng viêm phổi, suy hô hấp cải thiện. Tuy nhiên, bệnh nhi vẫn được các bác sĩ theo dõi sát sao và điều trị tích cực do tiên lượng còn nặng.

12.jpg
Virus hợp bào hô hấp (RSV). Ảnh minh họa

BS.CKII Nguyễn Đức Hậu – Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ cho biết, virus hợp bào hô hấp (RSV) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với tình trạng bệnh diễn tiến nhanh, dễ dẫn đến tình trạng suy hô hấp nếu không phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Bệnh dễ lây lan mạnh vào thời điểm giao mùa đông – xuân và xuân – hè, đặc biệt gây nguy hiểm cho trẻ dưới 2 tháng tuổi, bệnh nhân đẻ non, suy dinh dưỡng và các bệnh nhân có bệnh lý bẩm sinh kèm theo. Trong 3 tháng qua, bệnh viện ghi nhận gần 400 trường hợp bệnh nhi dương tính với RSV, trong đó có nhiều trường hợp diễn biến nặng.

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Hậu, viêm phổi do RSV nguy hiểm ở chỗ bệnh có thể lây lan qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với giọt bắn sau khi hắt hơi, ho và virus tồn tại nhiều giờ trên các bề mặt đồ dùng như bàn, ghế, quần áo, đồ chơi, bàn tay người chăm sóc. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng giống cảm lạnh thông thường như ho, sổ mũi, khò khè, có thể sốt nhẹ, tình trạng này kéo dài 1-2 ngày, khiến bố mẹ và người chăm sóc trẻ dễ nhầm lẫn.

Một số trường hợp, từ ngày thứ 3 trở đi, bệnh diễn biến rầm rộ, với các triệu chứng tắc nghẹt mũi, ho tăng lên nhiều, khò khè nhiều, kích thích, sốt cao… nặng hơn có thể suy hô hấp, tình trạng này kéo dài 3-4 ngày. Đặc biệt, từ ngày thứ 7 trở đi, bệnh sẽ lui dần và sẽ khỏi hoàn toàn sau 2 tuần nhiễm virus RSV. Tuy nhiên, có trường hợp khò khè kéo dài 1 vài tuần sau đó.

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần theo dõi sát các dấu hiệu hô hấp ở trẻ nhỏ và đưa trẻ đi khám sớm khi thấy trẻ có sốt, ho, chảy mũi, quấy khóc nhiều và nhập viện ngay khi thấy trẻ có các dấu hiệu nguy kịch như bú kém, mệt mỏi, thở gắng sức, tím tái …. Để hạn chế lây nhiễm virus RSV, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần chú ý giữ gìn vệ sinh môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, tạo thói quen rửa tay trước khi chăm sóc trẻ và sau khi hắt hơi, ho.

Đồng thời, thường xuyên vệ sinh đồ chơi của trẻ, hạn chế đưa trẻ đến nơi quá đông người, tránh để trẻ tiếp xúc với người có nghi ngờ nhiễm bệnh, và đặc biệt cần tránh môi trường có khói thuốc lá. Thực hiện tiêm chủng đầy đủ, tăng cường dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

Sức khỏe

Thêm 2 ca tử vong liên quan đến bệnh sởi
Sức khỏe

Thêm 2 ca tử vong liên quan đến bệnh sởi

Theo thông tin Bộ Y tế cập nhật về tình hình dịch bệnh sởi mới nhất trên cả nước, mới có thêm 2 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi, trong đó có 1 ca đang điều trị ung thư, có nhiều bệnh nền và 1 trẻ nhập viện muộn sau 3 ngày.

Tăng cường hậu kiểm các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Sức khỏe

Tăng cường hậu kiểm các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác quản lý sản phẩm tự công bố, đăng ký bản công bố theo hướng dẫn.

Nội soi dạ dày là tiêu chuẩn vàng trong đánh giá khối u và sinh thiết chẩn đoán xác định bệnh. Ảnh: BVCC
Sức khỏe

AI trợ thủ đắc lực phát hiện sớm ung thư dạ dày

PGS.TS. Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) trong nội soi là AI có khả năng phân tích hình ảnh nội soi, phát hiện tổn thương vi thể mà mắt thường bỏ qua. Một nghiên cứu tại Nhật Bản (2023) cho thấy AI tăng độ chính xác chẩn đoán tổn thương tiền ung thư lên 95%.

Lo ngại dịch kép, Sở Y tế Hà Nội ra công văn khẩn
Sức khỏe

Lo ngại dịch kép, Sở Y tế Hà Nội ra công văn khẩn

Trước tình hình bệnh sởi và tay chân miệng có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đã ký công văn khẩn số 147/SYT-NVY về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi và tay chân miệng.