Cùng xây dựng lộ trình cụ thể, tăng cường khả năng tiếp cận vốn, nâng cao năng lực quản trị tài chính cho các doanh nghiệp khu vực ĐBSCL

Lời Tòa soạn: Sáng nay, 18.11, để góp phần tìm ra những giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy tín dụng cho các ngành hàng nông sản chủ lực của đồng bằng sông Cửu Long, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững”. Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền phát biểu khai mạc Hội thảo.

Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu nội dung phát biểu:

dbnd_br_ht35.jpg
Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội, quý lãnh đạo, quý chuyên gia, nhà khoa học,

Kính thưa ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ,

Kính thưa ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

Thưa các quý vị đại biểu, quý doanh nghiệp cùng toàn thể hội thảo,

Với vị trí đặc biệt là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã khẳng định vai trò của mình, đóng góp giá trị lớn cho nền kinh tế quốc gia và bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước. Tuy nhiên, trong hành trình phát triển, ĐBSCL đang đối diện với vô vàn thách thức: từ sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, hạn mặn xâm nhập, đến những khó khăn trong hạ tầng giao thông, logistics và tiếp cận nguồn vốn.

Chính vì vậy, hôm nay, tại mảnh đất Trấn Giang, chúng ta hội tụ về đây để cùng nhau hướng đến một mục tiêu quan trọng, đó là tìm ra những giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy tín dụng cho các ngành hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL, vùng đất màu mỡ và phì nhiêu, nơi đã từ bao đời nay gắn bó chặt chẽ với nhịp sống nông nghiệp của cả nước.

dbnd_br_ht03.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Thay mặt Ban tổ chức, tôi xin được nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia và các quý vị đại biểu tham dự hội thảo! Chúc các đồng chí và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và bình an! Chúc hội thảo thành công tốt đẹp!

Kính thưa quý vị đại biểu!

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, định hướng về chiến lược vĩ mô, các chủ trương, chính sách trọng tâm cho phát triển ĐBSCL. Trong đó phải kể tới Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2.4.2022, của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết 13-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030, ĐBSCL sẽ trở thành vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới. Đến năm 2045, ĐBSCL là vùng phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu; kinh tế phát triển năng động, hiệu quả; nhân dân có mức sống cao…

dbnd_br_ht01.jpg
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Bên cạnh đó, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phát triển các sản phẩm chiến lược theo 3 trọng tâm: thủy sản, trái cây và lúa gạo, trong đó yêu cầu tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo.

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nói chung và sự phát triển của các ngành hàng nông sản chủ lực nói riêng, đưa ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững cũng như hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 13-NQ/TW đặt ra, các nguồn vốn đầu tư (gồm: ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, nguồn vốn của khu vực tư nhân, của các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển) đóng vai trò đòn bẩy mạnh mẽ. Trong đó, nguồn vốn tín dụng từ hệ thống các tổ chức tín dụng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp, cơ chế chính sách đồng hành, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL, đặc biệt là các sản phẩm, ngành hàng kinh tế chủ lực của vùng. Tính đến

cuối tháng 9.2024, tổng dư nợ tín dụng tại khu vực ĐBSCL đạt 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của vùng đạt khoảng 643 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với 2023, chiếm 54% tổng dư nợ trên địa bàn.

dbnd_bl_ht15.jpg
TS. Trần Du Lịch điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy vậy, việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản ở ĐBSCL, trong đó có các ngành hàng chủ lực như lúa gạo, thủy sản, rau quả, còn gặp nhiều khó khăn. Công bố của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết, kết quả triển khai một số chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa được như kỳ vọng. Đơn cử: cho vay không có tài sản bảo đảm mới chiếm khoảng 20% dư nợ nông nghiệp nông thôn; dư nợ của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị chưa có nhiều chuyển biến. Tài sản bảo đảm khoản vay là đất nông nghiệp có giá trị thấp, công trình xây dựng trên đất chậm được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, khó định giá vẫn là vướng mắc lớn.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Trong bối cảnh như vậy, buổi hội thảo hôm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhìn nhận và phân tích kỹ lưỡng những khó khăn trong thực tiễn, từ đó đưa ra các giải pháp mang tính đột phá. Các giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính, các gói tín dụng ưu đãi, đặc biệt là các hình thức bảo lãnh tín dụng từ Nhà nước có thể giúp giảm bớt rủi ro và khuyến khích các ngân hàng mở rộng tín dụng cho khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, tôi kỳ vọng rằng các bộ ngành, tổ chức tín dụng, cùng với sự góp ý của các Hiệp hội doanh nghiệp và chuyên gia, sẽ cùng xây dựng được một lộ trình cụ thể để không chỉ tăng cường khả năng tiếp cận vốn mà còn nâng cao năng lực quản trị tài chính cho các doanh nghiệp trong khu vực.

dbnd_br_ht11.jpg
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Những ý kiến đóng góp thẳng thắn, tâm huyết từ các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, cùng các cơ quan quản lý nhà nước sẽ là nguồn tư liệu phong phú, giúp xây dựng những chính sách, giải pháp phù hợp, hiệu quả và có tính khả thi cao để ĐBSCL không ngừng vươn lên, khẳng định vị thế trên bản đồ nông nghiệp khu vực và quốc tế.

Một lần nữa, kính chúc các đại biểu Quốc hội, các vị lãnh đạo, các chuyên gia, các quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và bình an! Chúc hội thảo thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!

Sự kiện nổi bật

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân
Chính trị

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân

Chiều 2.4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo để rà soát tình hình thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt thảo luận, cho ý kiến xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân trình Bộ Chính trị.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình và Nhà vua Bỉ dự lễ khai trương Tổ hợp Văn phòng dịch vụ KCN Bắc Tiền Phong
Chính trị

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình và Nhà vua Bỉ dự lễ khai trương Tổ hợp Văn phòng dịch vụ KCN Bắc Tiền Phong

Sáng 2.4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Nhà vua Bỉ Philippe cùng Hoàng hậu Mathilde dự lễ khánh thành Tổ hợp Văn phòng dịch vụ hiện đại tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong do Tập đoàn Hateco và DEEP C đầu tư. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Nhà vua Bỉ Philippe và Hoàng hậu Mathilde.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ mười ba
Chính trị

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ mười ba

Sáng 2.4, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tổ chức Hội nghị lần thứ mười ba, xem xét, cho ý kiến vào Đề án về tổ chức quân sự địa phương “tinh, gọn, mạnh” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương chủ trì Hội nghị.

Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính viếng Nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung và Đền thờ Liệt sĩ tháp Trầm Hương
Chính trị

Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính viếng Nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung và Đền thờ Liệt sĩ tháp Trầm Hương

Sáng ngày 1.4, Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính dẫn đầu đã viếng Nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung và Đền thờ Liệt sĩ tháp Trầm Hương nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2.4.1975 - 2.4.2025) và 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).