Rõ vị trí, vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Sáng nay, 24.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội tiếp tục Kỳ họp thứ Năm, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật. Theo ĐBQH Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận), xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn lực lượng, tinh gọn đầu mối, giảm chi ngân sách nhà nước, tăng cường công tác an ninh, trật tự an toàn ở cơ sở; cụ thể hoá quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân và nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
"Đây là dự án luật có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng, củng cố các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; tạo cơ sở pháp lý thống nhất, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phục vụ hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở", đại biểu Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh.
ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) nêu rõ, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chính là thể chế hoá yêu cầu tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16.3.2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; các nghị quyết khác của Đảng; phù hợp với Điều 46 của Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, trong tình hình an ninh, trật tự xã hội phức tạp, tội phạm ngày càng tinh vi, đặc biệt vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong công tác bảo vệ an ninh, trật tư ở cơ sở hiện nay thì càng cần phải có lực lượng quần chúng tham gia cùng với lực lượng chính quy trong bảo vệ an ninh, trật tự. Trong đó, cần lưu ý đến các địa bàn biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, tiềm ẩn nhiều yếu tố liên quan dến an ninh, trật tự.
ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho biết thêm, dân có an, dân mới giàu, nước mới mạnh, cơ sở là nơi sát với nhân dân nhất, gần với nhân dân nhất, trực tiếp giải quyết mọi vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh, bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở ổn định là nền tảng cho phát triển của mỗi địa phương và đất nước.
Tuy nhiên, đại biểut Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị, cần làm rõ thành lập lực lượng này ở cấp xã, hay ở thôn, tổ dân phố, do Điều 2 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Điều 2 của Luật Hòa giải ở cơ sở quy định về phạm vi cơ sở còn khác nhau. Để từ đó xác định mối quan hệ của lực lượng này với các lực lượng khác trong hệ thống chính trị; xác định rõ vị trí, vai trò của lực lượng này là lực lượng quần chúng tự nguyện được vận động, tuyển chọn, tham gia các công việc hỗ trợ bán thời gian, khi có vụ việc mới huy động hay làm việc thường xuyên tại thôn, ấp hay tại trụ sở UBND cấp xã.
Cho rằng, trong toàn bộ nội dung dự thảo Luật cần xác định rõ lực lượng này chỉ là lực lượng hỗ trợ cho Công an chính quy trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, không phải lực lượng chính, đại biểu Nguyễn Văn Thuận đề nghị, các quy định về chính sách hỗ trợ trong dự thảo Luật cần phù hợp với tính chất của lực lượng này.
Chưa có nguyên tắc, tiêu chí xác định số lượng tổ bảo vệ an ninh trật tự
Quan tâm đến việc bố trí lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở, ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho biết, dự thảo Luật quy định, căn cứ vào tình hình yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, UBND cấp xã hàng năm rà soát, tổng hợp về số lượng tổ bảo vệ an ninh trật tự cần thành lập bố trí tại thôn, tổ dân phố và số lượng tham gia để báo cáo UBND cấp huyện, UBND cấp huyện báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND quyết định. Dự thảo cũng quy định, trên cơ sở căn cứ quyết định của HĐND, công an xã sẽ báo cáo UBND xã để quyết định số lượng tối đa tổ cần bố trí để bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở - Các quy định này còn bất cập.
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Thị Lan chỉ rõ, dự thảo Luật chưa có nguyên tắc, tiêu chí và căn cứ xác định số lượng của tổ bảo vệ an ninh trật tự ở một thôn, tổ dân phố và số tổ viên tham gia. Trong khi đó, quy trình thủ tục hành chính quyết định tổ bảo vệ an ninh trật tự, số người tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở cấp thôn, xã còn rườm rà, mất nhiều thời gian thực hiện.
Việc quy định UBND cấp xã quyết định về số lượng tối thiểu để thành lập tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và số lượng tối đa các thành viên tham gia tổ bảo vệ an ninh, trật tự cũng sẽ không bảo đảm thống nhất trong toàn tỉnh và trên cả nước. Do đó, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị bổ sung một khoản quy định cụ thể hoặc giao cho cấp có thẩm quyền quy định về nguyên tắc, tiêu chí xác định số tổ bảo vệ an ninh trật tự và số lượng tối đa số tổ viên tham gia trên số hộ dân ở mỗi thôn, tổ dân phố và tính chất phức tạp về an ninh trật tự tại địa bàn đó. Giao HĐND tỉnh quy định số lượng tổ, số tổ viên tham gia cùng với một số chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Về đảm bảo điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Luật quy định rất nhiều về chế độ chính sách cụ thể và điều kiện hoạt động, song theo đại biểu Đỗ Thị Lan, cần rà soát, đánh giá bảo đảm sự hài hoà, phù hợp với các lực lượng quần chúng khác tại cơ sở. Thực tế, để thực hiện các quy định như dự thảo Luật thì cần có nguồn lực ngân sách tương đối lớn, cần cơ chế tài chính cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi. Do đó, cần đánh giá tác động về nguồn lực thực hiện chính sách một cách đầy đủ và chính xác hơn.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã họp riêng về công tác nhân sự.