Động thái này xuất phát từ nguyên nhân chính là một số trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam bị đình chỉ hoạt động do cố ý bỏ qua các lỗi vi phạm, những ngày qua, tại hầu hết các trung tâm đã xảy ra tình trạng ùn tắc, quá tải.
Về lý thuyết, khi số lượng các trung tâm đăng kiểm giảm, đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng quá tải. Lý do nữa được cho là thời điểm cuối năm, thường trùng với việc các phương tiện đến hạn phải đăng kiểm nên có thể dẫn tới gia tăng số lượng. Để khắc phục tình trạng này, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm định, bố trí làm thêm giờ để giải quyết nhu cầu của người dân nhưng vẫn phải bảo chất lượng an toàn kỹ thuật của phương tiện.
Cục Đăng kiểm cũng khuyến cáo người dân chủ động kiểm tra trước khi mang xe đến trung tâm kiểm định, nếu phát hiện các khiếm khuyết, hư hỏng cần đưa xe đến các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa để khắc phục nhằm bảo đảm phương tiện có thể đạt tiêu chuẩn ở ngay lần kiểm định đầu, tránh trường hợp không đạt phải quay lại kiểm định nhiều lần làm tốn thời gian, chi phí và trầm trọng thêm tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm. Không nên để tới đúng ngày hết hạn mới mang xe đi kiểm định mà nên chủ động sớm hơn và có thể thực hiện ở bất kỳ đơn vị đăng kiểm nào trên cả nước nếu thuận tiện...
Những giải pháp mà cơ quan chức năng đưa ra nhằm giải quyết tình trạng quá tải tại các trung tâm đăng kiểm là phù hợp. Nhưng nhìn nhận ở góc độ rộng hơn, chắc chắn sau sự việc này còn nhiều câu hỏi cần được trả lời thấu đáo. Trước tiên đó là trách nhiệm, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ra sao? Những "lỗ hổng" nào trong quản lý đã dẫn tới tình trạng này? Giải pháp khắc phục thời gian tới là gì?
Câu hỏi nữa cần trả lời là làm gì để hài hòa lợi ích - trách nhiệm của chủ đầu tư khi thực hiện xã hội hóa công tác đăng kiểm bởi rất có thể các trung tâm này sẽ chạy theo lợi nhuận dẫn đến việc các phương tiện không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vẫn được "cho qua"?
Hiện nay, với nhiều người dân, doanh nghiệp, nhất là ở một số tỉnh, thành phố phía Nam, việc đăng kiểm phương tiện đang là cả "vấn đề". Cho nên, các cơ quan chức năng cần có giải pháp hiệu quả hơn nữa chứ không chỉ đơn thuần là có văn bản nhắc nhở, yêu cầu chấn chỉnh các tồn tại, thiếu sót và nâng cao chất lượng công tác kiểm định.
Để các trung tâm đăng kiểm phát triển và tuân thủ đúng các quy định pháp luật, điều quan trọng hiện nay là phải rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định để kịp thời khắc phục sơ hở, bất cập. Bên cạnh đó, cần có giải pháp, biện pháp loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng; phòng ngừa, kiểm tra, giám sát để tránh xảy ra tiêu cực, vi phạm.
Liên quan đến vụ án sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận đăng kiểm, ngày 28.12, Công an TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Công an Hà Nội khám xét khẩn cấp Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam ở số 18 Phạm Hùng, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ của Bộ Công an đã phối hợp kiểm tra các máy tính chung của phòng có chứa dữ liệu hình ảnh về các trạm đăng kiểm, các máy tính cá nhân có dữ liệu điện tử để phục vụ công tác điều tra...