Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh vừa xử phạt Công ty TNHH MTV SX TM Phương Trang (Mỹ phẩm Phương Trang CHARM - CHAMIS, số 120 đường số 2, CX Đài Ra đa Phú Lâm, phường 13, quận 6) số tiền 50 triệu đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm trong thời hạn 4,5 tháng.
Theo Thanh tra Sở y tế, Công ty TNHH MTV SX TM Phương Trang có hành vi: Đưa sản phẩm mỹ phẩm ra lưu thông khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hoặc hành vi đưa sản phẩm mỹ phẩm ra lưu thông sau thời điểm số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hết thời hạn mà chưa công bố lại theo quy định của pháp luật.
Theo tài liệu, Công ty TNHH MTV SX TM Phương Trang thành lập ngày 12.11.2008, người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Hoa. Công ty TNHH MTV SX TM Phương Trang là công ty chuyên kinh doanh phân phối các sản phẩm mỹ phẩm mang 2 nhãn hiệu CHARM và CHAMIS.
Trên website https://myphamphuongtrang.vn có thông tin giới thiệu Công ty TNHH MTV SX TM Phương Trang là: "Công ty chuyên cung cấp những sản phẩm làm đẹp, chăm sóc và dưỡng da hoàn toàn từ tự nhiên đa dạng như: Kem dưỡng da, kem dưỡng trắng da, kem dưỡng trắng da toàn thân, kem trị mụn, kem trị thâm, kem trị nám, kem chống lão hóa da, kem tái tạo da, serum dưỡng da, sữa tắm, sữa dưỡng thể, sữa rửa mặt, mặt nạ thải độc, phụ liệu tóc…."
Cũng tại website https://myphamphuongtrang.vn, nhiều sản phẩm mỹ phẩm nhãn hiệu CHARM và CHAMIS được quảng cáo có tác dụng "trị", "đặc trị", điều trị" mụn, thâm, nám...như thuốc chữa bệnh.
Cụ thể, sản phẩm Kem thoa da CHAMIS được quảng cáo là: "Kem đặc trị mụn siêu tốc CHAMIS. Với công thức kem được sản xuất theo công nghệ Nano tiên tiến, kết hợp tinh chất từ thảo dược thiên nhiên, giúp điều trị các loại mụn, giảm viêm sưng, ngừa sẹo rỗ, phục hồi da khỏe mạnh, mịn màng sau quá trình điều trị mụn".
Tương tự, sản phẩm Kem dưỡng trắng da CHAMIS được quảng cáo là "Kem dưỡng trắng da trị nám, xóa mờ thâm sạm CHAMIS (VIP)", với công dụng: "Kem trị thâm nám ức chế hình thành sắc tố Melanin sáng giúp mờ dần và trị tận gốc chân nám, tàn nhang. Đồng thời ngăn ngừa nám tái phát trở lại".
Sản phẩm Kem trắng da mặt CHARM được quảng cáo có công dụng là: "Kem trị nám chuyên sâu cân bằng sắc tố, giúp da đều màu, dưỡng da trắng hồng, ngừa thâm nám, tàn nhang hiệυ quả".
Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân, Luật sư Trương Hồng Điền (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết, việc quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế; Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về dược; Tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của hiệp hội quốc tế (nếu có).
Tính năng, công dụng của sản phẩm phải phù hợp với bản chất của sản phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật. Đặc biệt không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc...
"Việc công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Trong đó các từ như “trị”, “điều trị” “đặc trị” không được chấp nhận trong việc công bố tính năng mỹ phẩm theo từng loại sản phẩm, đã được quy định tại Hiệp định mỹ phẩm Asean; Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm; Công văn 1609/QLD-MP về hướng dẫn phân loại mỹ phẩm, công bố tính năng mỹ phẩm.
Như vậy, các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị", "đặc trị" không được chấp nhận trong việc công bố tính năng cũng như đặt tên sản phẩm mỹ phẩm" Luật sư Trương Hồng Điền khẳng định.
Theo Luật sư Trương Hồng Điền, Bộ Y Tế đã nêu rõ, đặc tính của mỹ phẩm là tạo nên các ảnh hưởng/hiệu quả không vĩnh viễn và cần phải sử dụng thường xuyên để duy trì hiệu quả. Các sản phẩm điều chỉnh vĩnh viễn, phục hồi hoặc làm thay đổi chức năng cơ thể bằng cơ chế miễn dịch, trao đổi chất hoặc cơ chế dược lý không được phân loại là mỹ phẩm.
Do đó, việc sử dụng "trị", "điều trị", "chữa trị", "đặc trị" là vi phạm một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính từ 15 - 20 triệu đồng, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo...
"Trường hợp sử dụng các từ như “trị”, “điều trị” “đặc trị” khi quảng cáo mỹ phẩm có thể coi là hành vi có dấu hiệu của tội “Quảng cáo gian dối” được quy định tại Điều 198 BLHS 2015, sửa đổi 2017. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Để hạn chế tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật. Bên cạnh việc cần thiết tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng nên chung tay phản ảnh các hành vi quảng cáo sai sự thật bằng cách gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết", Luật sư Điền khẳng định.