- Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn với lĩnh vực tài chính, ngoại giao
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Nêu cao trách nhiệm, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, đưa ra giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi
- Nghiêm cấm cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo khách mua bảo hiểm
- Chưa phát hiện trường hợp công ty thẩm định giá bị cổ đông chi phối để thực hiện hành vi sai trái
Nêu vấn đề này tại phiên chất vấn sáng nay, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ chấn chỉnh việc này ra sao để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả trong ngành hải quan?
Buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp
Cùng quan tâm đến hoạt động của ngành hải quan, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) nêu vấn đề: theo báo cáo của Bộ Tài chính, toàn ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 15.993 vụ vi phạm pháp luật hải quan, so với cùng kỳ năm 2022, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính là 12.476 tỷ đồng, tăng 42,6%. Cơ quan hải quan đã khởi tố 40 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 186 vụ, tăng 32%.
Những con số trên cho thấy tình trạng vi phạm pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp. Với vị trí là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đề nghị Bộ trưởng cho biết, đâu là nguyên nhân của tình trạng này và cần phải có những giải pháp cả trước mắt và lâu dài để ngăn chặn, giảm thiểu những vi phạm pháp luật nói trên - đại biểu Hồ Thị Kim Ngân chất vấn.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, thời gian qua, ngành hải quan của Bộ Tài chính đã rất nỗ lực để thực hiện việc chống buôn lậu và gian lận thương mại. Đối với ngành hải quan trong năm vừa qua đã bắt được trên 15.000 vụ và xử lý với giá trị 12.000 tỷ đồng, đã trực tiếp khởi tố 48 vụ và chuyển cơ quan điều tra gần 200 vụ. Trong các vụ bắt giữ hàng lậu có cả hàng cấm, thậm chí cả ngà voi, tê tê hoặc các con vật theo sách cấm quy định, Bộ trưởng thừa nhận.
Đối với Tổng cục Hải quan, "chúng tôi đã có nhiều hoạt động giám sát, từ giải pháp trinh sát, thông tin tình báo từ trước, sớm, từ xa, hệ thống máy soi, phân tích coi dữ liệu rủi ro trên máy để bắt giữ và xử lý. Và về cơ bản, chúng tôi đã tăng cường phối hợp với cơ quan biên phòng và cơ quan công an để có nhiều thông tin trao đổi và phối hợp xử lý, bắt giữ và lập các chuyên án đối với các chuyên án về hàng cấm để bắt giữ và xử lý một cách nghiêm minh", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sẽ tiếp tục siết chặt hoạt động của các công ty kiểm toán
Theo báo cáo cả nước có hơn 200 doanh nghiệp kiểm toán độc lập. Thời gian qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, đã có không ít doanh nghiệp kiểm toán đã bỏ qua sai sót đối tượng kiểm toán, vì lợi ích riêng của kiểm toán viên dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước, bao che sai phạm, tiêu cực. Đơn cử như vụ án xảy ra tại Ngân hàng SCB có đến 3 doanh nghiệp kiểm toán tầm cỡ sai phạm chức năng quản lý ngành. Nêu vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để phòng ngừa, răn đe tiêu cực trong ngành kiểm toán tư nhân?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa về kiểm toán có sai phạm, Bộ trưởng nêu rõ, kiểm toán độc lập vừa qua có sai phạm trong một số vụ án hình sự liên quan đến "nhiều yếu tố".
Thứ nhất là năng lực của cán bộ kiểm toán ở các công ty kiểm toán. Thứ hai là về tinh thần, trách nhiệm của những cán bộ làm công tác kiểm toán trực tiếp. Và, thứ ba, theo Bộ trưởng, "không loại trừ trường hợp cấu kết và cố tình vi phạm pháp luật để làm sai".
Đối với Bộ Tài chính, Bộ trưởng cho biết, đã chỉ đạo và siết rất chặt từ khâu cấp phép cho các kiểm toán viên. Để được cấp giấy chứng nhận là kiểm toán viên, Bộ đã đặt ra các điều kiện theo đúng quy định của pháp luật và tổ chức thi, đào tạo. "Thường kiểm toán viên chưa có năm nào đậu được trên 30%, năm cao nhất chỉ đậu 30%".
Cùng với đó, các chuẩn mực về kiểm toán và phương pháp kiểm toán cũng đã được Bộ Tài chính đã ban hành. Tuy nhiên, trong thời gian tới "chúng tôi sẽ tiếp tục siết chặt các hoạt động của các công ty kiểm toán để kiểm tra lại một số bộ hồ sơ xem có sai phạm sẽ xử phạt và xử lý nghiêm", Bộ trưởng nói.
Cả nước hiện có 221 công ty kiểm toán và có khoảng 2.363 kiểm toán viên, so với tỷ lệ của các quốc gia, thì con số này là nhỏ. Khẳng định thực tế này, song Bộ trưởng cũng nêu rõ: "Chúng ta chú trọng về mặt chất lượng, còn những sai phạm của kiểm toán viên có thể do nể, có thể do năng lực yếu, có thể do cấu kết, nên chúng tôi sẽ đào tạo để nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa và trình độ nghiệp vụ để đội ngũ kiểm toán viên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình", Bộ trưởng cho biết.
Cũng liên quan đến ngành hải quan, ĐBQH Vương Thị Hương (Hà Giang) nêu vấn đề: việc triển khai thủ tục hải quan điện tử đã thay đổi toàn diện phương thức khai, nộp hồ sơ hải quan từ thủ công sang điện tử, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đơn giản hóa hồ sơ hải quan, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Hiện nay, số lượng tờ khai hải quan được hệ thống phân luồng xanh chiếm tỷ trọng lớn, thời gian tiếp nhận và thông quan đối với tờ khai luồng xanh rất nhanh, chỉ từ 1 đến 3 giây. Các thủ tục được thực hiện thông qua hệ thống thông quan tự động.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã lợi dụng hệ thống tự động phân khai luồng của hải quan, lợi dụng thời gian thông quan nhanh cho tờ khai luồng xanh để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đưa hàng kê khai không đúng, thậm chí đưa hàng cấm vào nước ta với nhiều phương thức, thủ đoạn. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng này, đại biểu Vương Thị Hương chất vấn.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng cho biết, đối với hệ thống xuất nhập khẩu của chúng ta hiện có 3 luồng: một là, luồng xanh; hai là luồng vàng; ba là luồng đỏ. Đối với luồng xanh thì gần như thông quan tự động, có nghĩa là các hồ sơ chỉ được chuyển bằng hồ sơ điện tử và hàng hóa không bị kiểm tra. Qua luồng xanh thì đi rất nhanh. Điều này cho thấy, chúng ta đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp và tạo mọi điều kiện thông quan cho doanh nghiệp, nhưng cũng không loại trừ trường hợp có những doanh nghiệp lợi dụng luồng xanh để đưa hàng hóa không đúng quy định qua cửa hải quan.
“Chúng tôi cũng đã có nhiều biện pháp, chẳng hạn như áp dụng khoa học công nghệ trong vấn đề xác định được lô hàng; dùng hệ thống camera soi từ xa, soi từ trước; hay dùng lực lượng tình báo tài chính để xác định từ sớm, từ xa, phân tích trên dữ liệu và nhiều lĩnh vực khác để hạn chế tối đa vấn đề lợi dụng luồng xanh để đưa hàng hóa vào Việt Nam”, Bộ trưởng nói.