Hội thảo do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Cục Báo chí, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo Vietnamnet (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Trường Đại học Luật Hà Nội (Bộ Tư pháp) tổ chức.
Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Tống Văn Thanh, đại diện các cơ quan bộ, ban, ngành trung ương, địa phương, các trường đại học và các cơ quan báo chí, các nhà khoa học, chuyên gia…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định: Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển; quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí...
Luật Báo chí quy định khá đầy đủ, rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên.
Tuy nhiên, sau hơn 6 năm thi hành trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, Luật Báo chí đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí.
Thực hiện Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 2016. Đánh giá được tầm quan trọng của nhiệm vụ này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn và Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016 cùng với Hội thảo quốc gia Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ chuỗi hội thảo khoa học thường niên "Diễn đàn báo chí tháng Sáu" do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Tạp chí Thông tin và Truyền thông sáng kiến tổ chức. Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, GS.TS Hoàng Anh Tuấn hy vọng hội thảo sẽ cung cấp thêm tư liệu hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cho các cơ quan báo chí và những người làm báo cũng hệ thống cơ sở đào tạo báo chí hiện nay.
Tại Hội thảo, ý kiến của các diễn giả, nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan thuộc các lĩnh vực khác nhau đưa ra cái nhìn khách quan, đầy đủ các khía cạnh liên quan về hoạt động báo chí, công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn hiện nay; qua đó, đề xuất và kiến nghị những vấn đề, nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Báo chí năm 2016.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng, ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo sẽ là thông tin hữu ích trong quá trình tham mưu, thẩm định, đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 2016 cũng như đề xuất đưa dự án này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội thời gian tới.
Trên cơ sở kết quả hội thảo là quá trình nghiên cứu, tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện Luật Báo chí năm 2016, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông kịp thời cập nhật và bám sát các văn bản, nghị quyết, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo trung ương thời gian vừa qua, để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật về công tác báo chí và hoạt động báo chí. Tổng kết thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng các khó khăn, vướng mắc về thể chế gây cản trở cho hoạt động của cơ quan báo chí cũng như công tác quản lý nhà nước về báo chí, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số.
Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cần xây dựng kế hoạch toàn diện, chi tiết về sửa đổi Luật Báo chí 2016, báo cáo Chính phủ để đề nghị xây dựng luật và thực hiện quy trình theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng và thời hạn được giao...