“Họ không phải đối tượng quá khó khăn!”
Theo luật hiện hành, thuế thu nhập cá nhân chỉ áp dụng với người sau khi trừ các khoản giảm trừ thuế mà vẫn còn thu nhập. Cụ thể, mức giảm trừ với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, mỗi người phụ thuộc đăng ký giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/tháng.
TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, cá nhân có thu nhập đạt mức phải đóng thuế nghĩa là họ không phải đối tượng đang rất khó khăn, cần hỗ trợ ngay lúc này. “Giảm thuế thu nhập cá nhân chỉ có lợi cho những người đang có thu nhập tương đối ổn định, vẫn bảo đảm được cuộc sống, còn với người không có việc làm, không có thu nhập thì hoàn toàn vô nghĩa. Vì vậy, đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân không phù hợp”, ông Lực nói.
Trái lại, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam đồng tình giảm thuế thu nhập cá nhân. Theo ông, nên miễn, giảm cho những người trong diện đóng thuế bậc 1 - 4, tương đương với thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/tháng trở xuống. Những người có thu nhập cao hẳn như trên 50 - 60 triệu đồng/tháng trở lên thì vẫn phải đóng thuế. Ông Bình phân tích: Người lao động có mức lương 20 - 30 triệu đồng phải đóng thuế thu nhập cá nhân, nhưng trong bối cảnh hiện nay, có thể một vài thành viên trong gia đình bị mất việc, không có thu nhập, một mình họ phải lo cho cả gia đình. Nếu ở tỉnh lẻ có thể không sao, nhưng với điều kiện sinh hoạt ở thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh sẽ không ổn.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nên giảm thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ người dân vì ngay cả những người làm ăn tốt cũng không thể có doanh thu như trước. Tuy nhiên, mức giảm nên khác nhau. Người thu nhập ở mức thấp nhưng vẫn trong ngưỡng phải đóng thuế cần được giảm nhiều hơn, có thể là 50%, người thu nhập trung bình cao giảm 25%.
Ông Hiếu lưu ý, không nên miễn thuế thu nhập cá nhân mà chỉ nên giảm một phần nào đó. Đối tượng nộp thuế phải tiếp tục nghĩa vụ đóng thuế để ngân sách có nguồn thu hỗ trợ nhóm yếu thế hơn như lao động tự do đang rất khó khăn vì mất việc, không có nguồn thu.
Tập trung hỗ trợ lao động mất việc làm
Theo TS. Cấn Văn Lực, việc thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch khiến một bộ phận người lao động mất việc làm, không có thu nhập, đặc biệt là lao động tự do. Họ cần được hỗ trợ nhanh nhất để đáp ứng được cuộc sống tối thiểu. “TP. Hồ Chí Minh có chính sách hỗ trợ lao động tự do nhưng triển khai còn chậm. Còn các tỉnh khác chưa có động tĩnh gì, đặc biệt ở các địa phương thực hiện giãn cách, lao động tự do đang cực kỳ khó khăn”. Ông Lực cho rằng, lao động tự do, mất việc làm mới là đối tượng yếu thế nhất, cần phải hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt ngay lập tức từ ngân sách trung ương và địa phương.
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh quan trọng nhất bây giờ là hỗ trợ lao động mất việc, lao động tự do. “Hiện nay mới chỉ thấy TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ người mất việc. Còn ở các tỉnh thành đang có dịch căng thẳng như Hà Nội chưa thấy có kế hoạch. Các tỉnh, thành phố cần triển khai sớm, không nên để đến mức người dân đổ về quê vì chịu không nổi”, ông Hiếu nói.
TS. Lê Duy Bình cho rằng hỗ trợ lao động tự do mất việc làm là điều không cần bàn cãi nhưng cần rạch ròi giữa các chính sách. Người có thu nhập 15 - 20 triệu/tháng không thể khó khăn bằng những người mất hoàn toàn thu nhập. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, giảm thuế thu nhập cá nhân không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn thể hiện sự quan tâm, công bằng của Nhà nước đối với tất cả người lao động, cũng như kích thích tiêu dùng để thúc đẩy kinh tế. Một số quốc gia khác cũng hỗ trợ cho tất cả người dân. “Quy mô, mức độ miễn, giảm thuế hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng cân đối của ngân sách. Ngoài ra, phải cân đối với những chính sách hỗ trợ nhóm người khác trong xã hội, như vậy mới thể hiện được sự công bằng”, ông Bình chia sẻ quan điểm.