Sáng 30.3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" đã làm việc với với Trường PTDT nội trú tỉnh Lai Châu.
Chưa có giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật
Báo cáo Đoàn giám sát, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú tỉnh Lai Châu Vương Văn Tâm cho biết, Trường được thành lập từ năm 2004, đến nay trường có 12 lớp với gần 400 học sinh, 52 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trải qua 18 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã đào tạo được trên 3.000 học sinh dân tộc.
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, nhà trường đã triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục năm 2018, thực hiện lựa chọn, mua sắm, sử dụng sách giáo khoa đúng quy định, công khai, minh bạch, được phụ huynh học sinh và cán bộ giáo viên đồng thuận. Nhà trường được đầu tư thiết bị dạy học cơ bản đảm bảo đáp ứng được yêu cầu dạy và học.
100% giáo viên được tập huấn đầy đủ nội dung chương trình, sách giáo khoa, kỹ thuật, phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Nhà trường đã lựa chọn đội ngũ giáo viên dạy lớp 10 có trình độ đào tạo chuẩn, trên chuẩn, chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm trong giảng dạy, quá trình lựa chọn đề xuất được thực hiện từ tổ/nhóm bộ môn và được Liên tịch nhà trường thông qua trước khi thực hiện phân công giảng dạy nên đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại nhà trường chưa có giáo viên giảng dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật.
Theo đại diện nhà trường, chất lượng, nội dung sách giáo khoa phù hợp với mục tiêu, yêu cầu giáo dục của Chương trìnhgiáo dục phổ thông 2018 đặt ra. Tuy nhiên một số nội dung chưa phù hợp với một số đối tượng học sinh, đặc biệt là học sinh thuộc miền núi, vùng sâu, vùng xa. Giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của người dân sống ở thành phố, chưa phù hợp với người dân sống ở huyện và những vùng khó khăn.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường cơ bản bảo đảm việc dạy và học. Nhà trường tiến hành rà soát, lập kế hoạch trình phê duyệt mua sắm thiết bị dạy học dạy học cho năm học 2022 - 2023 và giai đoạn 2017 - 2025, chuẩn bị cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại thiết bị dạy học của một vài môn còn thiếu như Hóa học, Vật Lý, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh.
Nhà trường kiến nghị xây dựng các chính sách đặc thù với giáo dục các trường chuyên biệt, hỗ trợ tối đa mức lương tối thiểu đối với học sinh nội trú để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng các em. Xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn về thăng hạng cho giáo viên cấp trung học phổ thông…
Có chiến lược đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất
Tại cuộc làm việc, Đoàn giám sát quan tâm làm rõ những khó khăn của giáo viên và học sinh dân tộc thiểu số trước những thay đổi cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông mới; việc lựa chọn tổ hợp môn của học sinh; những tác động đến giáo viên và học sinh qua hơn một học kỳ triển khai chương trình lớp 10; vấn đề bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, vai trò của giáo viên cốt cán trong hoạt động của nhà trường…
Ghi nhận kết quả và thành tựu của nhà trường đạt được trong gần 20 năm qua, trong cả công tác xây dựng, bố trí đội ngũ, xây dựng môi trường học ngăn nắp, nề nếp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường và thầy cô đã tích cực nhập cuộc, khắc phục khó khăn, nhờ đó đã đạt được những kết quả ban đầu.
Ở một tỉnh vùng cao biên giới, cơ ngơi của Trường PTDT nội trú tỉnh Lai Châu là mơ ước của nhiều trường ở Hà Nội, nhưng nhìn tổng thể, điều kiện để có giờ dạy tốt nhất, chuẩn bị tốt nhất cho chương trình mới vẫn khó hơn so với miền xuôi. Đây là thách thức cần đối mặt trong thời gian tới. Bên cạnh đó, là trường nội trú, thầy cô vừa dạy, vừa chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho học sinh, hoàn thành cả 2 vai là điều không dễ dàng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa mong muốn nhà trường có định hướng chiến lược lâu dài để đây là nơi đào tạo tốt nhất nguồn cán bộ cho tỉnh Lai Châu. Khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nhà trường cần quan tâm đầu tư, khai thác thư viện, với hệ thống học liệu, tài liệu giấy và tài liệu trực tuyến, tạo môi trường cho các em tự nghiên cứu, tìm tòi...
Tham dự cuộc làm việc của Đoàn giám sát, thăm cơ sở vật chất nhà trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, là một trường cấp tỉnh, dẫu được quan tâm, nhưng vẫn ở khu vực khó khăn của Tây Bắc, Trường PTDT nội trú tỉnh Lai Châu vừa thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, vừa chăm lo và nuôi con em đồng bào dân tộc, dạy và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để các em sau này tự hào và đóng góp tốt hơn cho cộng đồng dân tộc mình. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị tỉnh có chiến lược đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị thư viện, phòng học bộ môn cho nhà trường...