
Đó là nhấn mạnh của Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Mai Văn Nhiều tại Phiên giải trình lần thứ 4 của Thường trực HĐND tỉnh Long An về “Việc phát triển nhà yến trên địa bàn tỉnh”.
Nuôi yến còn mang tính tự phát
Tại phiên giải trình, các đại biểu và ngành chức năng đã trao đổi, giải trình đầy đủ, nêu bật những kết quả đạt được trong phát triển nhà yến trên địa bàn tỉnh cũng như tác động tích cực từ Nghị quyết HĐND tỉnh về quy định vùng nuôi chim yến đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Đặc biệt, đã phân tích sâu, kỹ nguyên nhân những tồn tại, hạn chế, khó khăn; tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, khả thi tháo gỡ vướng mắc, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện hiệu quả Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thanh Truyền, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 1.174 nhà yến, tăng 641 nhà so với năm 2020. Điều này cho thấy tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến của Long An rất lớn, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho các địa phương, đặc biệt là vùng Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên, các nhà yến trước đây xây dựng trong khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư, dẫn đến mất cân bằng giữa tốc độ tăng nhà yến và tốc độ tăng trưởng đàn chim yến, tác động xấu đến môi trường, quản lý thú y. Nhiều nhà dẫn dụ và nuôi chim yến được xây dựng trên đất ở, đất sản xuất kinh doanh, cải tạo cơi nới nhà ở hiện hữu chưa được cơ quan chức năng cấp phép; chưa bảo đảm theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chưa tuân thủ các thủ tục về bảo vệ môi trường. Việc nuôi tự phát này gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, ô nhiễm môi trường cục bộ do phát sinh chất thải từ chim yến và tiếng ồn từ loa dẫn dụ.
Để phát triển nhà yến hiệu quả, phù hợp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Lâm cho biết, quan điểm của UBND tỉnh là không để phát sinh nhà yến nằm trong vùng không được phép nuôi theo Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến trên địa bàn. Các địa phương phải rà soát lại tất cả nhà nuôi chim yến tồn tại trước ngày 20.7.2020 (thời điểm Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh có hiệu lực) để phân loại, có lộ trình xử lý, di dời phù hợp đối với các nhà nuôi thuộc vùng không được phép.
Đối với việc phát triển nhà nuôi mới, hộ dân phải đăng ký với chính quyền địa phương để có sự rà soát, bảo đảm việc cấp phép phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và nằm trong vùng được nuôi. Đồng thời, nghiên cứu có cơ chế, chính sách đặc thù ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong việc dẫn dụ chim yến, công tác phòng bệnh; công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm sau thu hoạch, liên kết sản xuất theo chuỗi, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm từ yến có tính cạnh tranh cao về chất lượng, uy tín.
Phát triển ngành nuôi yến bền vững
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Mai Văn Nhiều đánh giá, mặc dù Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh có quy định vùng nuôi chim yến, tuy nhiên công tác quy hoạch của các địa phương vẫn chưa xác định rõ tiểu vùng tập trung, làm ảnh hưởng đến chiến lược phát triển nghề nuôi chim yến. Số lượng nhà yến nằm xen lẫn trong khu dân cư, khu vực nội thành, nội thị còn chiếm tỷ lệ cao. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, môi trường, tiếng ồn, dịch bệnh đối với nhà yến chưa được thực hiện tốt. Việc đầu tư vào khâu chế biến chưa được chú trọng, chưa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, thiếu tính liên kết hình thành chuỗi giá trị, chưa có thị trường xuất khẩu ổn định.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định vùng chăn nuôi, trong đó có nuôi chim yến; tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện nghị quyết, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các nội dung cho phù hợp, trong đó cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ di dời hợp lý đối với các nhà nuôi yến xây dựng trước ngày 20.7.2020 và thuộc vùng không được nuôi. Đối với các nhà yến xây dựng trước ngày 20.7.2020 và thuộc vùng được nuôi, phải có hướng dẫn cụ thể về thủ tục cấp phép để người dân thực hiện, gắn với việc cấp mã số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm sau này. Đề nghị các ngành chức năng và địa phương tăng cường quản lý, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chấp hành quy định của pháp luật trong xây dựng, hoạt động nhà yến...
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh, cần tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm yến của địa phương hướng đến mục tiêu xuất khẩu. Theo đó, phải hướng dẫn các cơ sở chuẩn bị điều kiện về nhà nuôi yến, chế biến phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu; phối hợp với cơ quan Trung ương sớm ban hành hướng dẫn đăng ký và cấp mã số nhà yến; xây dựng hệ thống quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu nuôi chim yến tại địa phương phục vụ truy xuất nguồn gốc. Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tổ yến; khuyến kích thành lập hội nuôi yến, tham gia Hiệp hội Yến sào, tham gia sản phẩm OCOP.