Dự lễ phát động có: Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường; Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Nguyễn Tuấn Quang...
Ngày Nước thế giới (22.3.2024) được Liên Hợp Quốc phát động với chủ đề“Nước cho hòa bình”, tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới. Khi nguồn nước bị khan hiếm hoặc ô nhiễm, khi mọi người không có khả năng tiếp cận nước an toàn hoặc không được tiếp cận nước một cách bình đẳng, căng thẳng có thể gia tăng giữa những cộng đồng và các quốc gia.
Theo báo cáo của Ủy ban về Nước của Liên Hợp Quốc (UN-Water), hiện có hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và dân số toàn cầu tăng lên như hiện nay, chúng ta phải đoàn kết để bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này. Bằng cách cùng nhau hành động để cân bằng quyền con người và nhu cầu của mọi người về nước, nước có thể là động lực ổn định và là chất xúc tác cho sự phát triển bền vững hôm nay và mai sau.
Hiện nay, sự bùng nổ về dân số, sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp và sản xuất năng lượng khiến nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng. Báo cáo Phát triển Nước Thế giới của Liên Hợp Quốc năm 2023 cho thấy, con số này tăng khoảng 1% mỗi năm trong vòng 40 năm qua, và dự kiến còn kéo dài đến năm 2050. Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu, tình trạng khan hiếm nước theo mùa cũng gia tăng mạnh mẽ ở các khu vực như Trung Phi, Đông Á, Nam Mỹ; tình trạng này nghiêm trọng hơn ở các khu vực thuộc Trung Đông, và châu Phi.
Tại nước ta, Luật Tài nguyên nước vừa được Quốc hội thông qua tháng 11.2023 gồm 10 chương, 86 điều quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra...
Trong chuỗi các sự kiện năm nay, sẽ diễn ra Hội thảo Quốc tế VACI 2024 với chủ đề “Bảo vệ, phục hồi và phát triển tài nguyên nước: Khoa học, chính sách và thực tiễn” với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan trực thuộc, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế… Đây là cơ hội để các đại biểu chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, bài học kinh nghiệm về các giải pháp quản lý tài nguyên nước phù hợp với Luật Tài nguyên nước mới ban hành của Việt Nam.
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh: Hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024, đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có những hành động thiết thực, chung tay hành động vì khí hậu, hướng tới một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tạo sức lan toả lớn trong toàn xã hội vì tương lai bền vững,
Trong đó, rà soát, cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thể chế hoá và nội luật hoá những nội dung điều ước, thoả thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia;tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15; quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; nhất là việc thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án nhằm tăng cường bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kêu gọi các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo cộng đồng về thực hiện lối sống xanh, lành mạnh, nâng cao ý thức trách nhiệm người dân, cộng đồng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, nói không với việc tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã trái phép…
Phát biểu tại lễ phát động, Giám đốc WWF tại Việt Nam Văn Ngọc Thịnh cho rằng: biến đổi khí hậu đang càng ngày có những biểu hiện rõ rệt hơn và gây ra những tác động tiêu cực lên đời sống con người. Bên cạnh những vấn đề như nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nguồn tài nguyên không những là xuất phát điểm của cuộc sống mà còn là môi trường để duy trì sự sống của nhân loại, đó chính là nước ngọt. Tất cả chúng ta đều đang chứng kiến những hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, khô hạn kéo dài, lũ lụt với cường độ tần xuất ngày một lớn, đã góp phần cho cuộc khủng hoảng liên quan đến nguồn tài nguyên nước ngày càng trầm trọng hơn ở khắp mọi nơi.
"Khi mọi người không được tiếp cận nước một cách bình đẳng hoặc không có khả năng tiếp cận nước thì cũng đột có thể xảy ra giữa các công đồng, địa phương, thậm chí các quốc gia. Do đó, để giải quyết được các cuộc khủng hoảng và thách thức mang tính sống còn này thì không còn cách nào khác là chung tay hành động và đóng góp của tất cả chúng ta, từ cấp độ quốc gia cho đến mọi người trên khắp thế giới"- ông Thịnh nhấn mạnh.
Tại lễ phát động, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến đã giới thiệu những điểm mới của Luật Tài nguyên nước 2023. Theo đó, Luật Tài nguyên nước gồm 10 chương và 86 Điều, được xây dựng tập trung vào 4 nhóm chính sách gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra và sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác… châu
Về các điểm mới, có quy định về nguyên tắc quản lý và trong đó có nguyên tắc “bảo đảm an ninh nguồn nước để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý; và quy định chính sách của Nhà nước, trong đó có “ưu đãi đối với dự án đầu tư khai thác nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân ở vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác”.
Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành về tài nguyên nước nhằm phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn. Sửa đổi, bổ sung các quy định để giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, lỗ hổng trong các luật nhưng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.