Bao giờ giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi?
Sáng 20.11, Quốc hội thảo luận hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Năm.
Theo Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông, thời gian qua, nhìn chung, các kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, các bộ, ngành tập trung nghiên cứu giải quyết, thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý nhà nước.
“Việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân, được cử tri đánh giá cao và đồng tình ủng hộ”, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông cho biết.
Bên cạnh đó, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng, thực tế vẫn còn một số vấn đề cử tri quan tâm, đã kiến nghị nhiều lần và đã được các bộ, ngành ghi nhận để xem xét giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả thỏa đáng khiến người dân mòn mỏi chờ.
Cụ thể, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông nêu hai vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội và Bộ Y tế.
Thứ nhất, cử tri kiến nghị xem xét giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi thuộc đối tượng hưởng bảo trợ xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi trên địa bàn cả nước… Vấn đề này cử tri quan tâm từ rất lâu và bất cứ cuộc tiếp xúc cử tri nào Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cũng nhận được ý kiến.
Về phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã nhiều lần ghi nhận và hứa sẽ tiếp tục nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét vào thời điểm thích hợp, gần đây nhất là tại Công văn số 5523/LĐTBXH-VP ngày 30.12.2022 về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi tới Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể để sửa đổi chính sách này.
Vẫn chưa có hướng dẫn trả nợ vật tư y tế “vay” chống dịch
Vấn đề thứ hai là giai đoạn dịch Covid - 19 bùng phát, nhiều ca mắc liên tục tăng nhanh, song việc mua sắm vật tư y tế, hóa chất sát khuẩn theo quy định gặp rất nhiều khó khăn do giãn cách xã hội nên các cơ sở y tế phải “mượn” của các nhà cung cấp, doanh nghiệp tư nhân.
Đến nay, các cơ sở y tế vẫn chưa thể thanh toán cho các nhà cung cấp do vướng các thủ tục mua sắm theo Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế. “Như tại Bình Thuận, hiện nợ trên 91 tỷ đồng”, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông cho biết.
Vì vậy, cử tri ngành y tế kiến nghị cơ quan chức năng có hướng dẫn về thanh toán nợ. Kiến nghị này cũng được Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận nêu trong Báo cáo kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội về giám sát chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch đã yêu cầu Bộ Y tế, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện vấn đề này tại Kỳ họp thứ Bảy.
“Tuy nhiên, theo phản ánh các địa phương, Chính phủ, Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn tháo gỡ bất cập này và hiện nay các cơ sở y tế địa phương đang gặp khó khăn, mòn mỏi đợi hướng dẫn”, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông cho biết.
Tranh luận với đại biểu Nguyễn Hữu Thông về các khoản nợ của các bệnh viện, cơ sở y tế trong giai đoạn đại dịch Covid - 19 chưa trả được, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) khẳng định, đây là vấn đề nổi cộm không chỉ của tỉnh Bình Thuận mà còn là vấn đề của đại đa số các tỉnh, thành phố mà đại dịch bùng phát, không chỉ vật tư, thuốc men mà còn cả suất ăn, đồ giặt, oxy, khí nén…
“Bộ Y tế cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết về một số vướng mắc các mặt hàng cụ thể, hay sử dụng chống dịch, các địa phương cần hỗ trợ quyết liệt ngành y tế bằng các nghị quyết của HĐND, giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại sau đại dịch để ngành y tế yên tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề xuất.
Sớm hỗ trợ ngườichăn nuôi thiệt hại vì dịch tả lợn châu Phi
Cũng phản ánh về nội dung cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng chậm được giải quyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy cho rằng, chính sách hỗ trợ cho người và các cơ sở chăn nuôi có lợn bị buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi “chưa được giải quyết dứt điểm”.
ĐBQH Nguyễn Văn Huy cho biết, giai đoạn 2019 - 2020, bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, gây nhiều thiệt hại cho người và các cơ sở chăn nuôi. Trước tình hình này, Thủ tướng đã có Quyết định số 793/QĐ-TTg (năm 2019) và Quyết định số 2254/QĐ-TTg (năm 2020) hỗ trợ kinh phí phòng, chống bệnh dịch; qua đó, kịp thời hỗ trợ, động viên người chăn nuôi, hộ nông dân, các cơ sở chăn nuôi có lợn bị buộc phải tiêu hủy.
Từ năm 2021 đến nay, hằng năm, dịch bệnh tả lợn châu Phi vẫn có những đợt bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp ở một số địa phương, ảnh hưởng đến các hộ gia đình và các cơ sở chăn nuôi nhưng vẫn chưa có chính sách hỗ trợ.
"Tại văn bản trả lời cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Ba, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nêu đang khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và dự kiến trình Chính phủ ban hành vào Quý IV.2022. Tuy nhiên, khi trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Năm, Bộ lại nêu sẽ trình Chính phủ ban hành vào Quý IV.2024, tức là chậm 2 năm so với lộ trình đã hứa".
Thời gian qua, cử tri đã nêu nhiều lần và rất mong mỏi sớm có chính sách hỗ trợ cho người và các cơ sở chăn nuôi từ năm 2021 đến nay, nhất là khi dịch tả lợn châu Phi lại đang có nguy cơ bùng phát và việc hỗ trợ thiệt hại cần được thực hiện kịp thời.
Do vậy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình tiếp tục kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, góp phần giảm bớt khó khăn và tạo điều kiện cho người chăn nuôi khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.