Chiều 9.3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tiến độ triển khai dự án Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả bước đầu việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.
Cùng dự có Thường trực Ủy ban Kinh tế; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.
Sau khi nghe đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày báo cáo tiến độ triển khai dự án Luật Đất đai (sửa đổi), kết quả bước đầu việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, công tác lấy ý kiến nhân dân theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực, rộng khắp, thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành, các giới, các giai tầng xã hội đối với dự án luật hết sức quan trọng này.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp; các cơ quan của Quốc hội, trực tiếp là Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật; MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên... "Đây là công việc chung, sự nghiệp chung. Chúng ta phải cố gắng phối hợp để làm, đặc biệt là các cơ quan thường trực như Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan chủ trì soạn thảo và Ủy ban Kinh tế - cơ quan chủ trì thẩm tra".
Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc lại đề xuất của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Cán sự Đảng Chính phủ về việc cần huy động rộng rãi các bộ, ngành, các cấp tham gia vào quá trình hoàn thiện dự án Luật để bảo đảm về chất lượng trình Quốc hội, bảo đảm Luật ban hành ra thì vận hành thông suốt. "Tránh trường hợp chỉ có một bộ chủ trì đứng ra chèo chống là khó lắm, không làm nổi. Tiến độ rất quan trọng nhưng chất lượng còn quan trọng hơn. Tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương là trong năm 2023 chúng ta phải hoàn thành việc sửa đổi pháp luật về đất đai", Chủ tịch Quốc hội nói, đồng thời gợi mở có thể tiến hành các công việc tiếp theo theo hình thức "cuốn chiếu", các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau.
Kết quả tổng hợp bước đầu về lấy ý kiến Nhân dân cho thấy có nhiều ý kiến đóng góp rất sâu sắc, toàn diện, rất có giá trị. Ngoài những vấn đề mang tính nguyên tắc, quan điểm, đã có nhiều ý kiến góp ý vào từng điều khoản, từng nội dung cụ thể của dự thảo Luật. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau khi lấy ý kiến nhân dân thì việc tổng hợp ý kiến, phân loại, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý là hết sức quan trọng, không được làm hình thức, làm cho có. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Kinh tế chủ trì theo dõi, giám sát quá trình tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, quá trình tổng hợp ý kiến nhân dân có bảo đảm trung thực, khách quan, vô tư hay không.
"Tinh thần là phải cầu thị, tôn trọng mọi ý kiến góp ý của Nhân dân, gạn đục khơi trong, không để bất cứ ý kiến nào của nhân dân không được giải trình, tiếp thu, cố gắng tổng hợp đầy đủ, toàn diện các ý kiến. Đồng thời, chắt lọc ra những vấn đề lớn, trọng tâm, đánh giá các xu hướng, các kiến nghị, đề xuất, lựa chọn một số vấn đề quan trọng, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau hoặc chưa rõ trong dự thảo Luật để tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến, tổ chức tọa đàm, hội thảo chuyên sâu hơn, kỹ lưỡng hơn, nhất là các vấn đề về tài chính đất đai và giá đất”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội cũng giao Ủy ban Kinh tế phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội ban hành văn bản về cuộc làm việc để các cơ quan có cơ sở, căn cứ thực hiện. Theo tiến độ, việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sẽ kết thúc vào ngày 15.3 tới; ngày 25.3, các cơ quan phải hoàn thành báo cáo gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, "các cơ quan phải hết sức nỗ lực, khẩn trương, làm việc không kể ngày đêm, “không phân biệt vai này, vai kia”, hết sức phối hợp hoạt động vì công việc chung, vì sự nghiệp chung", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 6.3 vừa qua, chỉ tính riêng số liệu trên website lấy ý kiến Nhân dân của cơ quan soạn thảo, chưa tính số liệu của các địa phương, đã có 7.873 lượt ý kiến góp ý của 768 tổ chức, cá nhân vào các nội dung của dự thảo Luật.
Qua tổng hợp bước đầu ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đánh giá dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Các ý kiến góp ý tập trung vào 11 nhóm nội dung gồm: thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; việc thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; về chế độ, quản lý sử dụng các loại đất; đất công ích, đất có công trình ngầm và quyền sử dụng khoảng không gian trên mặt đất; về vai trò của Mặt trận và thành viên của Mặt trận; vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về phát triển quỹ đất; về đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; về hộ gia đình sử dụng đất; việc xử lý các Luật có mâu thuẫn, chồng chéo với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)...