Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN

Tiếp Đoàn doanh nghiệp cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh đối thoại chính sách theo hướng "win-win" - hai bên cùng thắng và khẳng định, không có bất cứ ý kiến nào của doanh nghiệp gửi đến Quốc hội mà không được lắng nghe, nghiên cứu và tiếp thu nghiêm túc.

Chiều 23.3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Đoàn Doanh nghiệp cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) đang thăm, làm việc tại nước ta.

Tham dự cuộc tiếp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; cùng đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và một số bộ, ngành liên quan.

Về phía Đoàn USABC có: Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper; Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ted Osius, và lãnh đạo hơn 40 tập đoàn, công ty thành viên.

Không ý kiến nào của doanh nghiệp không được lắng nghe, nghiên cứu

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh Đoàn doanh nghiệp cấp cao USABC sang thăm, làm việc tại Việt Nam với số lượng đông đảo nhất từ trước đến nay và hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực. Diễn ra vào dịp kỷ niệm 10 năm xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, chuyến thăm là minh chứng sinh động cho sự phát triển của quan hệ hai nước.

Thời gian qua, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục phát triển tích cực, trong đó quan hệ kinh tế - thương mại là trụ cột quan trọng. Kim ngạch thương mại hai nước năm 2022 đạt con số kỷ lục 123 tỷ USD, và Việt Nam đã trở thành một trong 8 đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ. 

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao hoạt động hiệu quả của Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ nói chung và USABC, nhấn mạnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN là đối tác và nguồn lực tin cậy trong thúc đẩy các mục tiêu và ưu tiên kinh tế chung của Việt Nam cũng như sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Tuy nhiên, với nguồn vốn dồi dào, chất lượng cao, kinh nghiệm quản trị tốt, công nghệ cao, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; mong muốn Hoa Kỳ sớm cải thiện thứ bậc trong bảng xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Thời gian qua Quốc hội Việt Nam đã kịp thời ban hành các Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch nhằm nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp Hoa Kỳ, trong việc phục hồi sau đại dịch. Nhờ đó, Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng GDP lên tới 8,02%, các cân đối vĩ mô được bảo đảm.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội Việt Nam cam kết tạo khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục hoạt động, mở rộng quy mô và phát triển lâu dài tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu; luôn sẵn sàng lắng nghe các ý kiến, quan tâm và nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp về chính sách, pháp luật của Việt Nam.

“Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp tục làm ăn ổn định, lâu dài và thành công tại Việt Nam. Không có bất cứ ý kiến nào của doanh nghiệp gửi đến Quốc hội mà không được lắng nghe, nghiên cứu và tiếp thu nghiêm túc”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Hoa Kỳ có niềm tin lớn đối với Việt Nam

Các thành viên Đoàn doanh nghiệp cấp cao USABC trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành thời gian tiếp; chúc mừng những thành tựu tuyệt vời của Việt Nam thời gian qua và đánh giá cao những quyết sách của Quốc hội Việt Nam, đặc biệt là những quyết sách trong việc thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế - xã hội và tháo gỡ rất nhiều vướng mắc trong lĩnh vực y tế...

Đại diện USABC cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có niềm tin lớn đối với Việt Nam và triển vọng phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong tương lai. Đánh giá Việt Nam là thị trường chiến lược trong khu vực và nhiều doanh nghiệp cam kết sẽ đầu tư lâu dài trong lĩnh vực y tế, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường, đại diện các doanh nghiệp cũng gửi đến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một số kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, thuế, đấu thầu, logistics, y tế..

Chủ tịch Quốc hội đã trao đổi cụ thể về các vấn đề Đoàn doanh nghiệp cấp cao USABC quan tâm. Trong đó, về chuyển đổi số, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là về công nghệ, do đó, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tiến trình này là vấn đề được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm.

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Tại Kỳ họp thứ Năm tới, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Hiện Quốc hội cũng đang chuẩn bị sửa đổi Luật Viễn thông, Luật Căn cước công dân... Các luật này đóng vai trò nền tảng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Cùng với đó, tháng 9 tới, Quốc hội Việt Nam cũng sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, trong đó sẽ tập trung thảo luận về chủ đề chuyển đổi số.

Chính phủ Việt Nam cũng đang thúc đẩy xây dựng dự án Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm tạo hành lang pháp lý phục vụ phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; quản lý sản phẩm trí tuệ nhân tạo, quản lý sản phẩm và dịch vụ công nghệ số trọng yếu; bảo đảm phát triển sản phẩm công nghệ số trong nước; dữ liệu số; trung tâm tính toán hiệu năng cao; kinh doanh xuyên biên giới...

Chủ tịch Quốc hội mong USABC tiếp tục đóng góp ý kiến cho Quốc hội Việt Nam trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về chuyển đổi số.

Đặt trọng tâm hoàn thiện thể chế cho chuyển đổi năng lượng công bằng

Về chuyển đổi năng lượng, chia sẻ các hoạt động của Việt Nam trong triển khai thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP 26, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh 2 vấn đề then chốt là tài chính xanh và công nghệ. “Một mình Việt Nam không thể làm được. Chúng ta phải có kế hoạch chuyển giao công nghệ và hoàn thiện thể chế cho chuyển đổi năng lượng. Quốc hội Việt Nam đang đặt trọng tâm xây dựng pháp luật vào hoàn thiện thể chế cho chuyển đổi năng lượng công bằng”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Về y tế, dược phẩm, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhiều kiến nghị, đề xuất của USABC và các doanh nghiệp đã được Việt Nam nghiên cứu và cụ thể hoá trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Hai vừa qua, đặc biệt là các quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, về các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước...

Hiện nay, Quốc hội Việt Nam cũng đang xem xét sửa đổi Luật Đấu thầu, trong đó, đặt yêu cầu gắt gao đối với việc rà soát, hoàn thiện các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch các hoạt động này.

Về sửa đổi Luật Dược, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội đang chuẩn bị cho ý kiến về dự luật này, nhưng vừa qua, khi chưa sửa đổi Luật, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 80 về tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid - 19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đến ngày 31.12.2024. Ghi nhận các kiến nghị của USABC, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, “Chính phủ và Quốc hội Việt Nam sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng trong dự án Luật Dược (sửa đổi), cam kết có một dự luật tốt nhất theo đúng chuẩn mực quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Việc gì có lợi cho người dân, cho doanh nghiệp thì Quốc hội, Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện. Tất cả quyết sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế trong nước hay nước ngoài. Đây là thông điệp và hành động nhất quán của Việt Nam”.

Chia sẻ băn khoăn của một số doanh nghiệp liên quan đến vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam không chủ trương tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để tăng thu ngân sách. Việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã được Việt Nam đặt ra từ lâu. Mục tiêu chủ yếu của việc sửa đổi là để điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, bảo vệ sức khoẻ của người dân, bảo vệ môi trường, phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng lộ trình điều chỉnh sẽ được tính toán kỹ lưỡng, trong đó có tính đến “sức khoẻ” của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid – 19 hiện nay, không thay đổi đột ngột.

Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh đối thoại chính sách theo hướng win-win - hai bên cùng thắng và đề nghị USABC và các doanh nghiệp thành viên thường xuyên trao đổi, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ Việt Nam về các giải pháp chính sách, pháp luật về tiếp tục hoàn thiện, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và năng lực cạnh tranh quốc gia, cùng tháo gỡ rào cản, vướng mắc của các nhà đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn USABC và các doanh nghiệp thành viên tiếp tục mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh đầu tư và đóng góp vào quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid – 19; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, giải pháp mới, quản trị hiệu quả và tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Hoa Kỳ; thúc đẩy hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên và Hoa Kỳ có thế mạnh như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, tài chính – ngân hàng, y tế, đào tạo nhân lực chất lượng cao, kết cấu hạ tầng, môi trường...

Nhấn mạnh nghiên cứu và phát triển, đổi mới và sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam đối với công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các doanh nghiệp của USABC đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ về tài chính, chuyên môn, chuyên gia… cho các dự án khởi nghiệp, sáng tạo, các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, có các giải pháp để bảo vệ môi trường.

Chủ tịch Quốc hội mong USABC, với uy tín và mạng lưới quan hệ của mình, sẽ phát huy hơn nữa vai trò cầu nối, thúc đẩy Chính phủ, Quốc hội Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với Chính phủ và Quốc hội Việt Nam. Ưu tiên triển khai các sáng kiến hợp tác/chương trình công tác gắn với chủ đề và các ưu tiên của Năm APEC 2023 mà Hoa Kỳ là nước chủ nhà đăng cai tổ chức. Thường xuyên trao đổi, chia sẻ, cập nhật thông tin hai chiều về thị trường, nhà đầu tư Hoa Kỳ, xu hướng chuyển dịch đầu tư, thông tin về các doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm, đầu tư kinh doanh với đối tác Việt Nam và các hoạt động kết nối doanh nghiệp, đối tác hai bên.

Chính trị

Quang cảnh khai mạc Diễn tập
Thời sự Quốc hội

Khai mạc diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng tại Văn phòng Quốc hội năm 2024

Sáng 14.11, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội - 22 Hùng Vương, Hà Nội, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Bộ Tư lệnh 86 - Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng tại Văn phòng Quốc hội năm 2024.

Tuyên bố chung Việt Nam - Peru
Chính trị

Tuyên bố chung Việt Nam - Peru

Nhân dịp Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Peru theo lời mời của Tổng thống Dina Ercilia Boluarte Zegarra, ngày 13.11 theo giờ địa phương, hai bên đã ra tuyên bố chung về việc tăng cường quan hệ song phương giữa nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Peru. Báo Đại biểu Nhân dân xin trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung:

Chủ tịch nước Lương Cường bắt đầu thăm chính thức Peru và dự Tuần lễ Cấp cao APEC
Chính trị

Chủ tịch nước Lương Cường bắt đầu thăm chính thức Peru và dự Tuần lễ Cấp cao APEC

Chiều 12.11, giờ địa phương, Chủ tịch nước Lương Cường và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Sân bay Quốc tế Jorge Chavez, Thủ đô Lima, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 theo lời mời của Tổng thống Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Phường Quán Thánh, Hà Nội
Việt Nam với kỷ nguyên mới

Chống lãng phí nhìn từ chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng”

Tối 12.11, dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại phường Quán Thánh (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, các địa phương, trong đó có Hà Nội, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống lãng phí; mỗi người dân tăng cường thực hành và giám sát việc tiết kiệm, chống lãng phí. Thông điệp của Tổng Bí thư cho thấy, chống lãng phí không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, mà còn là một phần không thể thiếu trong ý thức và hành động của mỗi công dân.

Thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
Thời sự Quốc hội

Thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025

Chiều 13.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 với 432/432 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 90,19% tổng số đại biểu Quốc hội.

Rõ cơ chế nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng tiến độ
Thời sự Quốc hội

Rõ cơ chế nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng tiến độ

Nhấn mạnh cơ chế thí điểm theo dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất là nội dung rất mới, đại biểu Quốc hội đề nghị, cần làm rõ cơ chế xử lý trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện dự án không theo đúng tiến độ.

Quang cảnh Tổ 14 họp tổ
Thời sự Quốc hội

Đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam: Lựa chọn kỹ công nghệ

Thảo luận tại Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Tháp) sáng 13.11, các đại biểu cho rằng, công nghệ áp dụng cho Dự án sẽ quyết định việc đầu tư như thế nào, do đó, cần tiếp thu kinh nghiệm của các nước đi trước, lựa chọn những công nghệ mới, công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện nước ta để thực hiện Dự án. 

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 10
Thời sự Quốc hội

Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam: Cần đưa ra bức tranh tổng thể để có phương án phù hợp nhất

Tán thành cao chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các ĐBQH tại Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang) đề nghị, cần đánh giá kỹ phương án bố trí vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước sử dụng cho Dự án; quan tâm nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ không chỉ liên quan tới việc vận hành mà cả các dịch vụ phụ trợ khác, sự phát triển của các địa phương khi có đường sắt đi qua.

Thảo luận tại Tổ 5 về Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Thời sự Quốc hội

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Làm rõ hơn phương án huy động vốn thực hiện Dự án

Thảo luận tại Tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, các đại biểu Quốc hội tại Tổ 5 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Kiên Giang, Vĩnh Phúc và Lào Cai thống nhất sự cần thiết đầu tư Dự án và tin tưởng Dự án sẽ là hành trang, điểm nhấn khi nước ta bước vào kỷ nguyên mới.

Thảo luận tại tổ 15 sáng 13.11. Ảnh: Hạnh Nhung
Thời sự Quốc hội

Đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam: Cần giải pháp kiểm soát nguy cơ rủi ro tài chính trong dài hạn

Cho ý kiến về Chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam tại phiên thảo luận tổ sáng 13.11, các đại biểu Tổ 15 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Yên Bái, Quảng Trị, Bình Phước, Bình Thuận lưu ý vấn đề nguồn vốn và rủi ro phải trả nợ. Đánh giá đây là một áp lực lớn đối với Dự án, đại biểu Quốc hội đề nghị có giải pháp minh bạch, quản lý chặt chẽ và kiểm soát nguy cơ rủi ro về tài chính dài hạn.