Chú nhóc ở thành Istanbul (Phần một)

Aziz Nesin (1915-1995) là một trong những cây đại thụ của làng văn Thổ Nhĩ Kỳ. Ông để lại một kho tàng đồ sộ: khoảng 100 cuốn sách, phần lớn là tiểu thuyết, phê phán gay gắt nền chính trị và xã hội Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó. Tư tưởng thiên tả khiến ông thường xuyên chịu cảnh tù tội. Nhưng tác phẩm của ông đã được biết đến ở 42 nước với hơn 10 thứ tiếng và phần lớn số tiền viết sách ông dành cho một trại trẻ em nghèo ở gần Istanbul.

      Sinh thời, chủ nghĩa vô thần mà Aziz Nesin công khai tuyên bố khiến ông là mục tiêu thường xuyên của những phần tử cực đoan. Năm 1993, một trong những nhóm cực đoan đã tìm cách thiêu sống ông tại một khách sạn ở thành phố Sivas trong khi ông đang dự lễ tưởng niệm một nhà thơ thế kỷ XVI bị treo cổ vì chống lại sự áp bức tôn giáo. Aziz Nesin may mắn thoát chết nhưng 37 nhà văn, nhà thơ và các trí thức tham dự buổi tượng niệm trên đã bị chết cháy. 
      Aziz Nesin là nhà văn yêu thích của nhiều độc giả Việt Nam qua tập truyện
Những người thích đùa cùng nhiều tuyển tập truyện ngắn hài hước và châm biếm sâu sắc.

      Thiên thần và quỷ sứ
      Họ hỏi tôi: "Sao có thể viết nhiều đến thế?"
      Họ nói rằng một số nghệ sĩ được các thiên thần thổi nghệ thuật vào tâm hồn. Cứ nói đến thiên thần là tôi lại mường tượng một thiếu nữ bằng sương bằng khói, có phần giống nàng tiên cá, nửa trên là người, nửa dưới là cá. Nhưng thiên thần thì nửa dưới là chim và nửa trên là cả một vẻ đẹp mê hồn với mái tóc vàng óng ả. Thiên thần nửa người nửa chim đó đậu trên vai nghệ sĩ, rót vào tai chàng nguồn cảm xúc; nàng đang trao cho chàng bản sao tác phẩm.
      Tôi không có thiên thần mà chỉ có quỉ sứ, phù thủy và những kẻ gieo rắc đam mê. Bên tôi không có thiếu nữ nửa người nửa chim mà chỉ có những kẻ giỏi lắm cũng chỉ được một phần mười là người và còn lại là quái vật. Chúng không đậu trên vai tôi, chúng trèo trên lưng tôi; dưới sức nặng của chúng, người tôi gập làm đôi trong máu, nước mắt, mệt mỏi và kiệt sức. Tôi không chỉ có một con quỉ hay một mụ phù thủy mà có hàng bầy, hàng đàn. Nếu có hai con quỉ rời khỏi lưng tôi thì lại có ba con khác trèo lên.
      Thiên thần có vẻ đẹp không gì sánh nổi; sự xấu xa của phù thủy và quỉ sứ cũng không gì sánh nổi.
      Thiên thần vuốt ve êm ái; quỉ sứ đánh đập, kìm kẹp, cắn xé.
      Nàng tiên cảm hứng ngự trên vai nghệ sĩ, thì thầm vào tai chàng, truyền cho chàng nguồn cảm hứng.
      Trên lưng tôi, phù thủy, quỉ sứ và lũ quái vật xâu xé nhau. Chúng không ngớt ra lệnh, thúc ép và mắng nhiếc tôi. 
      "Viết! Viết, Mày nghe chưa! Không được dừng lại; viết đi! Sao mày dừng lại? Mày mà cũng có quyền ngủ ư? Dậy đi! Không được ngồi như thế - dậy đi, nhanh lên! Mày cũng không được ốm - nào, tiếp tục đi, ngồi lên và - Viết!"
      Lũ quỉ sứ, phù thủy và quái vật là những kẻ đang đòi tiền thuê nhà, những người mà tôi phải cấp tiền, các chủ nợ và những nhu cầu thiết yếu không bao giờ hết.
      Nếu không viết thì làm sao tôi có thể giải quyết được những vấn đề trên?
      Trên khắp thế giới này, chẳng gì có thể tạo ra nguồn cảm hứng và buộc nghệ sĩ phải làm việc nhiều đến thế, nhiều bằng những lỗ thủng trên đế giày của anh ta.
      Nếu có quyền, tôi sẽ bắt Hội Truyền bá Nhân quyền phải thêm vào điều khoản dưới đây: "Quyền được ốm là quyền hoàn toàn không thể tranh cãi, không thể bác bỏ, là quyền tất yếu, là quyền xã hội của con người, mọi người đều có thể được ốm."
      Tôi vẫn thường ghen tị với những người được nằm dài trên giường khi ốm. Họ thật hạnh phúc. Cả đời người, dài đến nửa thế kỉ, chưa khi nào tôi được sử dụng cái quyền được ốm cho dù chỉ một ngày; lũ phù thủy và quái vật, kẻ gieo rắc đam mê chẳng lúc nào để tôi yên. Ban đêm, chúng chui vào những giấc mơ của tôi, ban ngày chúng lẩn quất trong trí tưởng tượng của tôi, chúng ngự trị toàn bộ thế giới của riêng tôi. 
       "Viết đi !"
      Tôi viết.
      "Viết nữa đi".
      Tôi lại viết. 
      Mỗi khi nhìn ra cánh đồng cỏ xanh màu lục bảo còn đẫm sương mai thì nỗi khát khao lại đầy ứ trong tim, tôi thèm biết mấy được duỗi thẳng mình trên thảm cỏ. Nếu như tôi có thể chân trần bước đi trên thảm cỏ thì những mệt mỏi rã rời của năm mươi năm sẽ lập tức từ đôi bàn chân thoát ra ngoài, thấm vào làn da của đất. 
      Dù thế nào thì đến một ngày nào đó, tôi cũng sẽ được hưởng sự an nghỉ vĩnh hằng - nhưng than ôi - khi đó, tôi lại không thể biết rằng mình đã được an nghỉ.
      Khi có ai đó hỏi tôi "sao anh có thể viết nhiều đến thế?" thì nỗi tức giận trong tôi lại dâng tràn mà không sao bộc lộ ra ngoài. 
      "Tóm lại, tôi viết để giải trí ư? Tôi buộc phải viết đấy chứ vì tôi đang túng thiếu cực độ".
      Nhưng nếu tôi được sinh ra lần nữa (tôi chẳng tin điều đó chút nào), nếu tôi lại được quay trở lại thế giới này một lần nữa, thì tôi cũng sẽ không lựa chọn con đường khác. Tôi lại muốn bị vắt kiệt sức, lại muốn đi trên con đường cũ, lại muốn nhận lấy sự mệt mỏi ngọt ngào mà công việc cũ dành cho tôi. 
      Tôi cho rằng nếu như tôi viết được nhiều thể loại, nhiều loại truyện kể khác nhau, với những đề tài đa dạng thì đó là do tôi đã cùng sống với đủ loại người khác nhau về trình độ, thuộc các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Quả là như thế, và đây là một vài nghề mà tôi đã trải qua: bán hàng rong, chăn cừu, đi lính, kế toán, họa sĩ, đưa báo, bán sách, giáo viên dạy tư, thợ ảnh, nhà văn, nhà báo, bán báo, bán tạp phẩm, bị kết án tù (đó cũng là một nghề và là một trong những nghề khó nhất), thất nghiệp (một nghề nhọc nhằn nhất trong tất cả các nghề), đánh giày, thợ cắt tóc và các nghề khác. 
      Những ký ức của tôi chẳng có gì to tát. Tôi biết bản thân chúng chẳng có tầm quan trọng nào cả. Nhưng vì nhận thấy cuộc sống của tất cả các bạn là sự phản chiếu xã hội chúng ta và giai đoạn chúng ta đang sống, với hy vọng mang lại cho các bạn những điều thú vị, tôi xin kể lại những mẩu ký ức của tôi, tuyệt đối không bịa đặt, không lừa dối.

      Mediha, người đẹp xứ Shishli
      Một người cùng làng, Cha tôi gọi là chú và ông cũng gọi cha tôi là chú, là người giàu nhất trong những người Golve mà tôi biết hồi đó. Trên chiếc áo gi lê bằng vải séc màu sẫm, lủng lẳng chiếc đồng hồ được đeo bằng sợi xích bạc gồm ba dây xoắn lại với nhau. Đôi giày của ông lúc nào cũng bóng lộn và ông có vài ba cái răng bịt vàng, một biểu hiện của sự giàu có thời đó. Rõ ràng, ông đã bôi dầu vào ria mép và nhuộm nó bằng hạt phỉ nướng để trông có vẻ trẻ hơn. Ông cũng hay dùng nước hoa - tôi nghĩ đó là nước hoa hồng - và dù ông đã đi khỏi phòng, mùi thơm vẫn còn vương lại một lúc. Mỗi khi ông lần chuỗi tràng hạt to tướng màu hổ phách có túm lụa ở đầu dây, thì nó lại phát ra tiếng kêu lách cách. Ông cầm chiếc hộp nhỏ đựng thuốc lá bằng bạc của Đức và chiếc bật lửa đẹp lạ lùng chỉ để khoe của mà thôi. Vì sao ông chú này lại giàu quá như thế? Bởi vì đó là ông trùm của đám thanh niên chạy bàn trong một quán rượu lớn lâu đời ở Pershembepazar.
      Hồi đó có một người đàn bà đẹp nổi tiếng tên là Mediha. Đó là Người đẹp Mediha của xứ Shishli mà báo chí vẫn nói tới; thậm chí tiếng tăm của cô còn vang tới cả khu nhà Kasimpasha của chúng tôi. Cô là người phụ nữ đã điểm tô cho thế giới yêu đương thêm màu sắc. Đàn ông tương tư cô, đánh nhau vì cô và nếu giàu có thì phung phí tiền của vì cô; cô tàn phá các gia đình và biến các tổ ấm thành tro tàn. Đàn ông, đàn bà đàm tiếu rất nhiều về cô đến mức tuy còn bé, tôi cũng biết tiếng xấu của cô. Cô nổi tiếng nhất về hai điều: cái cách cô vặt sạch đám người tình giàu có rồi quẳng họ ra đường và cô giữ được trong tay nhiều gã đàn ông cùng một lúc.
      Ông chú tôi là một trong những chàng ngốc u mê nhất của người đẹp Mediha xứ Shishli. Ông ta phát điên lên vì cô và chẳng còn để mắt đến vợ và gia đình. Nhưng Người đẹp Mediha, thường lấy đi tất cả tiền bạc của đám đàn ông bất kể họ ở tuổi nào, lại không thèm để mắt đến ông đến lần thứ hai.
      Cha tôi bảo: “Anh chàng đáng thương này mất trí rồi”. Đúng là ông ta mất trí thật. Khi nói về mối tình si của ông dành cho người đẹp Mediha, người đàn ông to lớn này thậm chí đã khóc nức nở như một đứa trẻ ngay trước mặt chúng tôi. Cha tôi cho rằng người đàn bà kia đã bỏ bùa khiến ông u mê lú lẫn để rồi lấy hết tiền của ông. Cha tôi muốn cứu chú ra khỏi tình trạng này. Người ta đã nghĩ ra một mẹo. Tôi không biết cái mẹo đó thế nào và nó được thực hiện ra sao; tất cả những điều tôi biết là cái cô Mediha nổi tiếng đó đang tiến về căn phòng tồi tàn của chúng tôi để hỏi và nghe Cha tôi cho biết một số việc gì đó vì lúc này Cha tôi là ông thầy bói đoán vận may.
      Hồi đó việc xem bói là phổ biến. Các nhà tiên tri biết cả quá khứ lẫn tương lai bằng cách nhỏ một giọt mực lên móng tay cái của một đứa bé. Trong khi đứa bé nhìn chằm chằm vào giọt mực thì nhà tiên tri, sau khi đã “nói chuyện” với chuỗi tràng hạt, hỏi nó cháu có nhìn thấy cái này không, cái kia không?
      Nhìn giọt mực trên móng tay, thằng bé có thể thấy những cái bị mất hoặc những tài sản bị lấy cắp, nơi cất giấu tài sản hoặc biết ai là kẻ cắp. Dồn tâm tưởng vào giọt mực, đứa trẻ ngây thơ chỉ còn biết dựa vào lời dẫn dắt của ông thầy bói để chỉ ra người và vật cần biết. Dưới tác động hư hư thật thật từ những câu hỏi của nhà tiên tri và đờ đẫn vì phải nhìn chằm chằm vào một điểm, thằng bé nghĩ rằng nó đã nhìn thấy trong giọt mực những cái mà người ta hỏi nó.
      Đôi khi, người ta nhỏ mực vào một cái chén hoặc cái cốc chứ không phải trên móng tay. Phải thừa nhận rằng hầu hết những đứa trẻ được chọn này đều rất thông minh. Những đứa tối dạ không thể nhìn thấy gì trong giọt mực hoặc giọt nước. Tất nhiên, khi bị vây bọc bởi hàng loạt câu hỏi và để tỏ ra thông minh, đứa trẻ nào cũng thấy cần phải nói rằng nó đã nhìn thấy cái mà nhà tiên tri hỏi.
      Người đẹp Mediha đến nhà chúng tôi. Cô ta có một số việc cần hỏi Cha tôi. Tôi đã trải qua cuộc thực tập nhìn nước và nhìn mực. Trong cả hai thứ này, tôi chẳng nhìn thấy gì cả. Không nhìn thấy gì thì tôi không thể nói rằng tôi đã nhìn thấy. Nhưng lần này, để cứu ông chú khỏi nanh vuốt của Mediha, tôi được lệnh lặp lại tất cả những gì mà người ta đã dạy trước đó.
      Người đàn bà được gọi là Người đẹp Mediha đến nhà tôi. Tôi nhìn chằm chằm vào cốc nước. Cha tôi hỏi một câu và tôi trả lời “Có”. Ông lại hỏi câu khác và tôi trả lời “Không”. Người đàn bà rất hài lòng về những câu trả lời của tôi, nhưng Cha tôi có vẻ không thích chút nào.
      Lúc đó, tôi quên mất câu trả lời thích hợp cho mỗi câu hỏi và khi tôi nói “Có” thì để nhắc tôi, Cha nói: “Nhìn lại đi con; nhìn kỹ vào!” nhưng tôi vẫn khăng khăng nhắc lại câu trả lời lúc đầu.
      Rõ ràng tôi đã lẫn lộn mọi thứ; lẽ ra phải nói không thì tôi lại nói có và ngược lại. Thế là tôi đã làm rối tinh rối mù kế hoạch cứu nguy ông chú;  nhưng Người đẹp Mediha lại vừa ý. Khi ra về, cô đưa tiền cho Cha tôi. Ông không nhận và nói rằng ông không làm việc đó vì tiền. Thế là Người đẹp đã làm một việc hoàn toàn bất ngờ. Cô ta có cái túi xách nhỏ bằng da đen, loại da thật. Cô lấy đồ đạc trong túi ra rồi đưa cái túi cho tôi và nói: “Đây là đồ chơi cho trẻ con”. Tôi lặng đi.
      Cô ta đi rồi, Cha tôi hỏi: “Này con, con làm vậy là làm sao? Con đã nói ngược lại tất cả”. Nhưng tôi lại nghĩ tôi đã nói đúng những gì được dạy. Cha tôi thở dài: “Đúng là số phận; ông chú này rồi sẽ không thoát khỏi tay Người đẹp Mediha đâu”.
      Không bao lâu, Mediha chết. Cô vừa bị đâm vừa bị bắn bằng một khẩu súng lục. Bám lấy đề tài này, báo chí đầy rẫy các bài viết và cả truyện ngắn nhiều kỳ về cô - thậm chí người ta còn viết cả một cuốn tiểu thuyết nữa. Tên cô được nói tới hàng năm trời.
      Cái túi xách cô cho tôi vẫn còn thoang thoảng mùi nước hoa. Sau khi đã viết xong đoạn hồi ức này liên quan đến Mediha, một lần trong khi sắp xếp lại sách báo, tôi chợt tìm thấy một mẩu báo cắt viết về cô. Đáng tiếc là tôi không ghi lại tên tờ báo, ngày ra báo cũng như đầu đề mẩu báo cắt đó. Tuy nhiên, theo những gì tôi được biết từ mẩu báo cắt này thì tên người đàn bà đó không phải là Mediha mà là Meliha; có lẽ tôi đã nhớ nhầm.
      Đây là những dòng viết trong mẩu báo cắt:
      “Xưa kia đã từng có một người đẹp là Meliha ở xứ Shishli. Sắc đẹp, sự quyến rũ và các cuộc tình của cô với những người đàn ông giàu có, vai trò của cô trong giới thượng lưu xưa là những mẩu chuyện nối tiếp nhau dường như không bao giờ cạn. Nhưng một hôm, trong nhà cô trên đường Maslak, người ta tìm thấy cô và cô người hầu trung thành là Zeynep Kadin khắp người lỗ chỗ vết đạn. Một kẻ ghen tuông rồ dại nào đó đã bắn chết họ”.
      Trên các báo, hết cột nọ đến cột kia viết về tội ác này và nhiều năm sau, người ta vẫn không quên hành động đẫm máu đó. Người đẹp xứ Shishli đã được thêu dệt thành huyền thoại và một vở bi kịch về cô đã được dàn dựng và trình diễn. Người ta chuyền tay nhau đọc những cuốn sách viết về các cuộc tình của cô. Tôi còn nhớ, một trong số này là cuốn sách bỏ túi gồm hai chương với bức tranh vẽ cô ngoài bìa. Khắp nơi, từ các chung cư Shishli và Nishantash đến những khu xa nhất ở ngoại ô thành phố người ta bàn tán về tấn thảm kịch cuộc đời Người Đẹp xứ Shishli. Cứ thế, năm này qua năm khác, người đàn bà đó đã thật sự biến thành huyền thoại. Nhưng rồi, những mảnh hồi ức cuối cùng về cô cũng tắt, thành tro tàn và biến mất tựa như làn khói mong manh tỏa ra từ nén hương trong đền thờ Aphrodite.

Tự truyện của Aziz Nesin
Lê Thị Oanh dịch

Văn nghệ

Tự hào một dải non sông
Văn hóa - Thể thao

Tự hào một dải non sông

Những ấn phẩm ngợi ca vẻ đẹp quê hương đất nước, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng là điểm nhấn trong loạt ấn phẩm của nhà xuất bản Kim Đồng chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư, 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tạo không gian mở phát triển văn học
Văn hóa - Thể thao

Tạo không gian mở phát triển văn học

Văn học chưa có khung pháp lý thống nhất và chi tiết để định hướng, cụ thể hóa chính sách cho tác giả, tác phẩm, hoạt động trong lĩnh vực này. Việc xây dựng, ban hành nghị định về khuyến khích phát triển văn học vừa đáp ứng nhu cầu cấp thiết, vừa mang ý nghĩa quan trọng.

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng
Văn nghệ

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng

Tối mai, 12.12, tại Nhà hát Hồ Gươm sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Giai điệu tri ân” do Agribank tổ chức. Sự kiện là lời cảm ơn sâu sắc từ Agribank gửi đến những khách hàng, đối tác và cộng đồng - những người đã đồng hành, sẻ chia và cùng kiến tạo những giá trị bền vững trong suốt hành trình phát triển.

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G
Văn hóa - Thể thao

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP. Hồ Chí Minh chiều hôm nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.

Để điện ảnh Việt cất cánh
Văn hóa - Thể thao

Để điện ảnh Việt cất cánh

Để điện ảnh Việt Nam thực sự cất cánh và hội nhập thế giới, cần có một chiến lược toàn diện và đồng bộ; giải pháp không chỉ giúp nâng cao chất lượng phim mà còn phải thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp này.

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc
Văn hóa - Thể thao

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc

Dù đã có cải thiện, nhưng vi phạm bản quyền âm nhạc tại Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải. Theo Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), NSƯT, nhạc sĩ ĐINH TRUNG CẨN, để giải quyết vấn nạn này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng
Văn nghệ

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng

Ngày 3.10, tại không gian nghệ thuật 34 Châu Long, Hà Nội đã diễn ra mạn đàm văn chương có chủ đề về văn hóa, tinh hoa trong văn thơ xưa và nay, với sự tham gia của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu phê bình văn học; được chủ trì bởi nhà sưu tập Thúy Anh - người khởi xướng nhiều chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đậm đà tính nhân văn và hướng tới cộng đồng.

Trong bão lũ
Văn hóa - Thể thao

Trong bão lũ

Bài thơ "Trong bão lũ" của tác giả Đặng Quốc Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, là tiếng lòng đầy xót xa trước cảnh thiên tai khắc nghiệt do bão Yagi gây ra. Với ngôn từ sâu sắc, tác giả khắc họa nỗi đau mất mát của người dân và tinh thần đoàn kết, sẻ chia của đồng bào cả nước, tạo nên niềm tin vào sự hồi sinh và vững bền của quê hương Việt Nam.