
Mũi tên đầu tiên
Cha Mẹ lại cho tôi đến Kasimpasha để học chú Galip nhưng không thường xuyên. Một hôm, Mẹ hái đầy một rổ vả chín mọng ngoài vườn và bảo: “Mang những thứ này đến cho chú Galip của con!” Trên giỏ đậy vài cái lá vả.
Tôi đi theo con đường mọi khi: trước tiên là đến Koska... Hồi đó, người ta đang xây các căn hộ “Harikzedegan” của Hiệp hội Không quân Laleli (sau này bị cháy và được xây lại). Từ đó đến Shezadebashi... đi tắt từ Kemerler trên đồi Zeyrek... rồi đến Cầu Unkapani, nơi tôi thích nhất. Giữa những thanh ván lát chiếc cầu gỗ có một khoảng trống rộng một vài gang tay. Trước khi tôi đi, Mẹ đã nghiêm khắc cảnh báo:
“Đi qua cái cầu ấy là phải cẩn thận đấy. Đừng để trượt chân...”
Mỗi lần qua cầu Unkapani, tôi lại nhớ tới câu chuyện mà Cha kể:
“Một người đàn ông trên đường đi gặp một người bạn.
“Anh đi đâu thế?”
“Đi Atpazari để mua lừa”.
“Lại đây, không được nói như vậy!”
“Thế thì nói thế nào?”
“Phải nói thế này: ‘inshallah’ (theo ý Chúa), Tôi sẽ đi Atpazari và ‘inshallah’ (theo ý Chúa) tôi sẽ mua một con lừa”.
“Ồ đi thôi, ông bạn! Tôi có tiền trong tay cho nên chẳng có ý Chúa nào cả. Tôi sẽ mua lừa rồi trở về nhà”.
“Họ chia tay và khi đi qua chiếc cầu này, đến chỗ có khoảng trống giữa các tấm ván, người đàn ông trượt chân vào một trong những khoảng trống và tiền trong tay ông rơi xuống biển.
Buổi tối, trên đường về nhà, hai người bạn lại gặp nhau và chào nhau.
“Anh đi đâu thế?”
“‘Inshallah’ tôi đi về nhà; ‘inshallah’, tôi sẽ làm việc và kiếm tiền; ‘inshallah’, tôi sẽ để dành tiền. ‘inshallah’, tôi sẽ đến Atpazari. ‘inshallah’, ở đó tôi sẽ mua một con lừa và ‘inshallah’, tôi sẽ trở về nhà”.
Cầm giỏ vả trong tay tôi, tôi la cà suốt dọc cầu Unkapani. Tôi nhìn những con tàu đang sửa trong bến cảng cạn nước của xưởng đóng tàu Hải quân.
Một đám trẻ con trần truồng đứng trên cầu. Một số đứa làm công việc xách giỏ thuê. Lúc đó chúng đặt những cái giỏ sang một bên. Những bộ áo quần rách tả tơi bị chúng vứt thành từng đống. Tất cả bọn chúng đều trần truồng, chỉ có vài đứa mặc quần đùi. Chúng trèo lên thành cầu và lao đầu nhảy xuống biển... Tôi đờ người sửng sốt. Tất cả bọn chúng đều trạc tuổi tôi! Sao chúng có thể lao được từ trên cao như thế xuống biển? Tôi chưa bao giờ bơi ở biển... Chúng chửi nhau mà không thấy xấu hổ).
Tôi sợ chúng và nghĩ rằng chúng có thể kéo bè kéo cánh bắt nạt, tôi sẽ phải chịu những giờ phút khốn khổ. Nhưng tôi không thể không tiến lại gần chúng, vừa đi vừa ngập ngừng sợ hãi. Tôi quan sát một lúc rồi lại đi. Tôi quên hết mọi thứ, cả chú Galip, bài học và những quả vả. Tôi đi lên quả đồi đó, chính là đồi Meyit nằm giữa cầu Unkapani và Shishhane...
Đó là nơi tôi luôn cảm thấy đau đớn và khổ não. Tôi ngồi dưới bóng râm của bức tường xưởng đóng tầu Hải quân và ngắm nhìn những đoàn xe ngựa đi qua. Tiếng roi ngựa vang vọng không gian mỗi khi nó quất xuống lưng những con ngựa khốn khổ. Tôi xót thương những con ngựa, xót thương người đánh xe... Móng ngựa đập vào những viên đá lát đường tóe lửa...
Tôi lại đi. Trạm cứu hỏa... chỉ cách Phòng đăng ký quân dịch môt chút. Khi đi qua một phố nhỏ, tôi nhận ra một đám trẻ con đang chơi trên một bãi đất trống. Tôi nhập bọn với chúng – nhưng tôi đã nhập bọn như thế nào, tôi bắt đầu trò chuyện với chúng ra sao thì tôi thật sự không nhớ được. Tôi để cái giỏ vả xuống đất. Bọn này đang chơi bi, chơi nhảy ếch. Ôi, giá mà chúng cho tôi được cùng chơi, giá mà chúng cho tôi được nhập bọn! Tôi không thể chơi với đám trẻ trong khu phố của tôi – ở đó, tôi như một người lớn và chơi đùa với trẻ con là không thích hợp. Nhưng ở đây, tôi có thể chơi với trẻ con bởi vì chẳng đứa nào biết tôi là ai. Chúng không biết tôi là một hafiz, tôi biết đọc tiếng Arập; chúng không biết rằng tôi thông hiểu ngữ pháp. Chúng nghĩ tôi là một đứa trẻ như chúng. Tôi không thấy xấu hổ khi chơi với những đứa trẻ xa lạ kia. Tóm lại, chẳng ai biết tôi. Tôi gạt lớp lá vả ở trên lấy vả chia cho bọn con trai. Tại sao? Có lẽ là để tranh thủ cảm tình của chúng, hy vọng chúng sẽ chấp nhận tôi, cho tôi cùng chơi.
“Lũ sói con” vồ lấy vả, nhưng trong giỏ vẫn còn nhiều và tôi sẽ mang số vả đó cho chú Galip.
Chúng tôi chơi, chơi mãi các trò anh là cái gì, bịt mắt giả mù. Tôi chơi không thạo và bọn trẻ con không hài lòng về tôi. Tôi có thể làm gì bây giờ, tôi chẳng biết phải làm thế nào cả. Tôi lại phân phát một lượt nữa số vả còn lại cho bọn chúng. Một thằng bé không nhận một quả vả nào cả. Nó mặc đẹp hơn bọn còn lại. Nó tiến lại và thì thầm vào tai tôi:
“Sao mày ngu thế? Sao mày lại chia vả cho bọn ấy?”
“Tao chỉ cho chúng nó... ơ thế mày muốn gì?”
Hôm nay tôi sẽ không đến chỗ chú Galip. Tôi sẽ lang thang ngoài phố và chơi với bọn trẻ con. Khi về nhà buổi tối, tôi chỉ việc nói với Mẹ rằng tôi đã đưa vả cho chú Galip rồi. Ai mà biết bao giờ chú mới lại nhà tôi lần nữa? (Có lẽ tôi cũng chẳng buồn nghĩ tới điều này... Đoạn ký ức này đang sống dậy trong lòng tôi). Việc quan trọng nhất lúc này là kết bạn với đám trẻ và chơi... Thằng bé lúc nãy lại đến bên tôi:
“Chúng nó chơi với mày vì những quả vả đấy. Chúng nó chỉ phỉnh phờ mày thôi”.
“Cũng được, kệ chúng”.
Chúng tôi chơi. Lần thứ ba, tôi phát vả cho bọn chúng và thế là hết cả vả. Bọn trẻ con bắt đầu xô đẩy tôi một cách thô bạo. Chúng không cho tôi chơi nữa. Tôi nhìn quanh để tìm thằng bé ăn mặc bảnh chọe kia và nhận ra nó không còn ở đấy nữa, nó đã về nhà. Tôi bỏ lại cải giỏ không và đi xuống đồi.
Với tôi đó là một ngày may mắn. Trong khi từ đồi Churukluk đi xuống, tôi nhặt được mấy đồng bạc, tôi muốn nói là tiền!... Kìa, một tờ giấy bạc medidiye. Đúng vậy ư? Tôi không tin ở mắt mình. (Một đồng medidiye là bao nhiều tiền? Là hai mươi kurush, năm đồng medidiye là một lira. Đó là một ngày lương của một công nhân đấy).
Hôm đó, tôi rất may mắn, rất may... Trong khi tôi đang nhăn nhở cười về việc bắt được đồng medidiye thì tôi lại tìm thấy một tờ giấy khác có in chữ “năm lira”, nhưng đó không phải là tiền – mà là một cái gì đó, một “tài liệu” có giá trị. Tôi ngẫm nghĩ nó có thể là cái gì nhỉ? Tôi đọc dòng chữ trên tờ giấy nhưng không hiểu gì cả. Chắc hẳn đây là một loại giấy tờ gì đó có giá trị hơn nhiều so với tiền. Tôi đi xuống đồi Churukluk. Trên bãi đất trống trước cửa nhà máy xay bột mỳ, một lũ trẻ con đang chơi. Chúng lớn hơn tôi, lớn hơn nhiều ấy... nhưng tôi có tiền trong túi và thế là tôi nhập bọn với chúng một cách tự tin. Tôi có tiền mà... Những thằng bé này sẽ phải ngạc nhiên! Bao nhiêu là tiền!...
Chúng tôi chơi với nhau, lăn lộn trong bụi đất, đứng lên rồi lại nhào xuống. Một quầy bán kẹo bơ(1) của người Gypsy (Digan) đang đi qua. Có hai người Gypsy: một người đội trên đầu cái khay để kẹo bơ và người kia chơi kèn clarinet để quảng cáo.
“Chú ơi, cho chúng cháu mấy cái kẹo bơ nào”.
Người đàn ông đặt cái khay kẹo xuống chiếc bàn ba chân và người kia thổi kèn. Trên khay có những chiếc kẹo bơ nhiều màu: vàng, xanh lá cây, đỏ, xanh da trời, trắng, đủ mọi màu. Mỗi màu là một hình tam giác khác nhau và tất cả tạo thành một cái kẹo bơ hình tròn giống như cầu vồng.
“Bao nhiêu para?”
“Bốn mươi para một cái, năm mươi para một cái...” Cả bọn mỗi đứa được vài cái...
Người bán hàng dùng một miếng sắt giống như cái thìa để đong kẹo bơ và ông đưa cho mỗi đứa một thìa đầy kẹo. Tôi đưa cho người bán kẹo đồng mejidiye. Vừa liếm vừa nhai chóp chép chúng tôi ăn kẹo. Những giọt kẹo bơ màu từ môi, từ cằm bọn con trai chảy xuống. Chúng tôi liếm môi và cằm. Chúng tôi lăn ra đất. Ôi, sao mà sướng thế! Tôi quên hẳn những quả vả, quên cả bọn con trai lúc trước vừa đuổi tôi, quên cả chú Galip, quên tất.
Nhưng đám con trai này còn tệ hơn bọn lúc nãy. Vừa ăn xong kẹo bơ, chúng đã cư xử với tôi thậm chí còn thô bạo hơn bọn kia. Chúng tuyên bố thẳng thừng rằng tôi là là kẻ lạ mặt, không cùng bọn với chúng, không giống chúng. Chúng coi tôi như kẻ đột nhập vào hàng ngũ. Chỉ vì tôi có tiền mua kẹo bơ nên chúng tạm chấp nhận tôi là người của chúng. Cũng như như nước và dầu ôliu, chúng tôi phải tách khỏi nhau, chúng tôi thật sự không thể hợp nhất được.
“Đánh nó đi!”...
“Đẩy nó ra ngoài”...
“Tống cổ nó đi!”...
Tôi né đầu tránh bọn chúng và bỏ đi.
Đây là “mũi giáo” đầu tiên trong đời đâm vào tôi.
May mà tôi không cho chúng xem tờ giấy có in chữ “năm lira” trên đó.
Tôi đi qua cửa hàng của thợ đục đá. Tôi quan sát người thợ một lúc. Một tay cầm đục, tay kia cầm búa, ông đang khắc đá. Ông đang làm các tấm bia mộ bằng đá và trên những tấm bia có khắc chữ. ở đây còn có cả những chiếc cối xay bằng đá.
Bây giờ biết làm gì với tờ giấy có chữ “năm lira” đây? Hay là mang nó ra ngân hàng? Làm gì bây giờ? Mà ngân hàng ở đâu nhỉ?
Nếu bạn trở lại quán cà phê của Hasan Efendi (nơi chú Galip đã dạy tôi học một thời gian dài), đối diện với Nhà thờ Lớn Hồi giáo về bên tay phải, bạn sẽ thấy một cửa hàng tạp phẩm. ở đó người ta bán tem, các mẫu hợp đồng, khế ước... Tôi lấy tờ giấy nhặt được đưa cho người chủ cửa hàng. Đúng vậy, đây là một bản hợp đồng, ông ta bảo tôi. Ông ta cầm lấy nó và đưa lại cho tôi năm kurush. Trước khi về tôi còn lang thang trên phố Longstreet một lúc.
Thất vọng hoàn toàn. Thế mà tôi cứ nghĩ rằng với tờ giấy đó, tôi sẽ trở nên giầu có.
Tôi không nhớ lúc đó đã nói gì với Mẹ khi về đến nhà. Có thể tôi nói rằng tôi đã đưa cho chú Galip giỏ vả. Tôi không biết sự dối trá đó rồi có bị phát hiện không bởi vì Mẹ và Cha không ai mắng gì cả.
Tự truyện của Aziz Nesin
Lê Thị Oanh dịch
____________
(1) Một loại kẹo cứng dính làm bằng cách đun nóng đường và bơ.
>>Chú nhóc ở thành Istanbul (Phần một)
>>Chú nhóc ở thành Istanbul (Phần hai)
>>Chú nhóc ở thành Istanbul (Phần ba)
>>Chú nhóc ở thành Istanbul (Phần bốn)