Tham gia tiếp và làm việc với Đoàn Ủy ban Cải cách Giáo dục của Quốc hội Philippines lần thứ hai (EDCOM 2) có các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đại diện Thường trực Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Xã hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội.
Bày tỏ vui mừng đón tiếp Đoàn công tác Ủy ban Cải cách Giáo dục của Quốc hội Philippines lần thứ hai đến làm việc tại Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cuộc tiếp và làm việc là cơ hội tốt để hai bên trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh giới thiệu sơ lược về chức năng của Quốc hội, của Ủy ban, về hệ thống giáo dục Việt Nam và đầu tư cho giáo dục.
Tại buổi tiếp và làm việc, hai bên đã cùng trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nhất là việc tiếp cận, công bằng và cơ hội trong giáo dục; chính sách thu hút và hỗ trợ giáo viên giỏi và việc kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Phía Đoàn Ủy ban Cải cách Giáo dục của Quốc hội Philippines lần thứ hai (EDCOM 2) cũng đặt nhiều câu hỏi cụ thể về kinh nghiệm của Việt Nam liên quan đến: chính sách thu hút giáo viên giỏi, chính sách xã hội hóa trong giáo dục, quy định về mức lương của nhà giáo, việc bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục…
Với các vấn đề Đoàn công tác quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Thực hiện công bằng trong giáo dục là một phần của nội dung thực hiện công bằng xã hội ở Việt Nam trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và để thực hiện mục tiêu giáo dục nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Ngân sách nhà nước nỗ lực để đầu tư cho vùng núi, vùng sâu vùng xa nhằm giảm dần chênh lệch về điều kiện học tập và chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền trên cả nước.
Về đối tượng, với học sinh gia đình nghèo, gia đình khó khăn, nhà nước có chính sách hỗ trợ học phí, kinh phí để các em có thể trang bị sách giáo khoa và đồ dùng học tập. Hai chính sách lớn này bảo đảm trẻ em được đến trường. Bởi vậy Việt Nam đã đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và tiến tới phổ cập giáo dục Trung học cơ sở. Bên cạnh đó, nhà nước có chính sách cho sinh viên được vay tín dụng ưu đãi, giúp cho nhiều sinh viên từ những gia đình khó khăn có điều kiện duy trì học tập ở bậc cao…
Cũng theo Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh: Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là một trong những yếu tố then chốt bảo đảm cho sự thành công của sự nghiệp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Chính phủ, bộ ngành, các địa phương luôn quan tâm chỉ đạo, có nhiều giải pháp, đề án cho việc rà soát, sắp xếp, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo; có chính sách hỗ trợ, thu hút học sinh giỏi vào học ngành sư phạm; tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút, bảo đảm điều kiện cần thiết để giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ...
Cảm ơn Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đã dành thời gian tiếp đón Đoàn, Thượng nghị sĩ Sherwin T. Gatchalian cho biết: Ủy ban Cải cách Giáo dục của Quốc hội Philippines lần thứ hai có vai trò xác định những vấn đề trong hệ thống giáo dục và đề ra giải pháp tương ứng, cũng như nghiên cứu tìm hiểu những kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới.
Theo nghiên cứu của EDCOM 2, Việt Nam và Philippines có sự tương đồng về việc đầu tư cho giáo dục, dân số, diện tích và quy mô nền kinh tế, tuy nhiên, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể về mặt giáo dục. Bởi vậy, Đoàn mong muốn học hỏi những kinh nghiệm của Việt Nam về cải cách, đổi mới giáo dục. Dịp này, các thành viên trong Đoàn cũng mong muốn mời Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh sang thăm Philippines.
Thượng nghị sĩ Sherwin T. Gatchalian cho rằng, cơ hội hợp tác trong giáo dục - đào tạo giữa hai nước là rất lớn; đồng thời bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, hai nước tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói riêng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của hai nước nói chung.
Đồng thời, Thượng nghị sĩ Sherwin T. Gatchalian cũng mong muốn thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Việt Nam để tiếp tục trao đổi kinh nghiệm thêm giữa hai bên.