
Phát huy tính chủ động, sáng tạo
Để không bỡ ngỡ khi trực tiếp giảng dạy chương trình mới, trong năm học vừa qua cô giáo Trần Thị Thu Hà, Trường Tiểu học Ngô Quyền (TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cũng thường xuyên dự giờ đối với lớp 1 để nắm bắt, học hỏi cách tổ chức dạy học, đánh giá học sinh. Đặc biệt, cô còn xem lại video các tiết dạy để nắm được cách tổ chức các hoạt động dạy học mà đồng nghiệp đã triển khai hiệu quả. Năm học 2021 - 2022, đối với chương trình sách giáo khoa mới lớp 2, Trường Tiểu học Ngô Quyền thực hiện dạy học với bộ sách Cánh Diều (riêng môn Mĩ thuật bộ Chân trời sáng tạo; môn Tiếng Anh Phonics). Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên những ngày này, các giáo viên của nhà trường thường xuyên trao đổi trực tuyến với nhau về phương pháp dạy học và với phụ huynh về bộ sách con em mình sẽ học trong năm học mới. Với cách tiếp cận này, đa phần phụ huynh học sinh tin tưởng vào giáo viên và nhà trường trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 2.
“Về cơ bản, chương trình sách giáo khoa lớp 2 năm học 2021 - 2022 có khá nhiều đổi mới. Mỗi chủ đề được phân chia thành các bài học, mỗi bài học lại có nhiều dạng câu hỏi, bài tập hoặc hoạt động sắp xếp từ dễ đến khó. Đồng thời, bố cục trình bày hấp dẫn, kích thích tính ham học hỏi của các em học sinh. Nhà trường và giáo viên đã tổ chức xây dựng kế hoạch và dạy học kĩ lưỡng cho học sinh, vì vậy, các phụ huynh có thể yên tâm, đồng hành, phối hợp với nhà trường và giáo viên để khích lệ các con học mà vui, vui mà học”, cô Trần Thị Thu Hà nói.
Khi mới nhận nhiệm vụ giảng dạy môn Khoa học tự nhiên 6, cô Cao Thu Hằng, Trường THCS Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) cho biết mình và đồng nghiệp khá lo lắng, bỡ ngỡ. Tuy nhiên, qua các buổi thảo luận, đóng góp ý kiến để lựa chọn sách giáo khoa tập huấn về sách giáo khoa mới và tham gia các khóa học, lớp học để trau dồi kiến thức chuyên môn… hình dung về công việc với chương trình mới ngày càng rõ. Các tổ nhóm chuyên môn đã triển khai xây dựng phân phối chương trình, kế hoạch giáo dục của tổ phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường.
“Trong điều kiện dịch bệnh, dạy thực nghiệm chưa thực hiện được, dưới sự chỉ đạo của Ban giám hiệu, chúng tôi tiến hành xây dựng kế hoạch bài dạy một số tiết trong chương trình mới để trình bày trước tổ nhóm chuyên môn và Ban giám hiệu. Qua đó học hỏi, rút kinh nghiệm và góp ý đồng nghiệp. Qua các video bài giảng dạy thử môn Khoa học tự nhiên, giáo viên trong tổ chuyên môn cùng thảo luận, học hỏi ưu điểm, khắc phục hạn chế của bài dạy mẫu. Đây cũng là cách chúng tôi dự giờ, học hỏi trực tuyến trong tình hình dịch bệnh hiện nay” - cô Hằng chia sẻ.
Nắm bắt tốt chương trình, làm chủ kỹ năng dạy học
Chương trình và sách giáo khoa mới cũng đặt ra yêu cầu và đòi hỏi mới đối với các giáo viên và cả đội ngũ cán bộ quản lý. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, các giáo viên trực tiếp đứng lớp cần được bồi dưỡng, nắm chắc, hiểu sâu về nội dung chương trình, làm chủ các kỹ năng dạy học để truyền đạt kiến thức cho học trò một cách hiệu quả nhất.
Để giảng dạy chương trình mới một cách hiệu quả nhất, cô Trần Thị Thu Hà chia sẻ, mỗi giáo viên cần chú trọng trau dồi năng lực cũng như kỹ năng sư phạm để phù hợp với từng môn học. Hình thức bồi dưỡng trực tuyến rất phù hợp trong tình hình phòng chống dịch Covid-19 hiện nay. Trong quá trình bồi dưỡng cũng có sự tương tác giữa giáo viên với báo cáo viên. Mặc dù có phần hạn chế so với trực tiếp, nhưng sau khi kết thúc thời gian bồi dưỡng, giáo viên có thể vào lại phần mềm nghe lại những nội dung chưa nắm vững.
“Đối với chương trình mới, giáo viên cần chú trọng thêm về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng tổ chức các hoạt động học cho học sinh. Qua đó, triển khai các tiết học nhẹ nhàng nhưng phát huy được năng lực, phẩm chất của tất cả học sinh trong lớp. Hành trang cơ bản của mỗi giáo viên lớp 2, lớp 6 khi bước vào năm học mới là nắm bắt tốt chương trình, sách giáo khoa mới. Bên cạnh đó, thực hiện đúng quan điểm đánh giá, chuẩn bị các đồ dùng và phương tiện dạy học cần thiết. Quan trọng hơn cả là tâm thế sẵn sàng, đi đôi với lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao”, cô Hà khẳng định.
Chuẩn bị triển khai chương trình mới lần đầu tiên với lớp 6, Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) yêu cầu các thầy cô giáo nghiêm túc tiếp cận môn mới, cách viết sách mới, sự liên kết kiến thức các phân môn… Yêu cầu giáo viên tập huấn môn học mới trao đổi chuyên môn các bài, báo cáo về tổ chuyên môn và nhà trường, trao đổi với các tác giả của các bộ sách. Nhà trường cũng yêu cầu giáo viên có phân công thực hiện, đôn đốc kiểm tra và cập nhật báo cáo kịp thời, bởi lẽ, theo Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên Nguyễn Tiến Dũng, không có nỗ lực của thầy cô, chương trình, sách giáo khoa mới khó thành công. Theo thầy Nguyễn Tiến Dũng: “Thầy cô giáo truy cập vào Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến bồi dưỡng giáo viên do Bộ GD - ĐT đang triển khai có nguồn học liệu mở phong phú, dễ tiếp cận. Chỉ cần các thầy cô nỗ lực, nghiêm khắc với bản thân và có phương pháp học tập thì việc nâng cao năng lực của bản thân không phải là việc quá khó”.