Tiếp tục Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng nay, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã báo cáo, quán triệt một số nội dung chính của Nghị quyết.
3 tiêu chí lựa chọn vấn đề giải trình
Theo đó, Nghị quyết gồm 4 chương, 20 điều, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội bao gồm: nguyên tắc, phạm vi giải trình; tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình, người được yêu cầu giải trình, người được yêu cầu tham gia giải trình; nguồn thông tin lựa chọn vấn đề được giải trình; trách nhiệm, quyền của người được yêu cầu giải trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; trình tự, thủ tục tổ chức hoạt động giải trình; thực hiện kết luận vấn đề được giải trình; theo dõi, đôn đốc, báo cáo việc thực hiện kết luận vấn đề được giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Cụ thể, đối với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, Điều 4 của Nghị quyết hướng dẫn vấn đề giải trình được lựa chọn theo một trong các tiêu chí sau: vấn đề cụ thể, vụ việc xảy ra có tính thời sự, bức xúc, nổi lên trong thực tiễn đời sống xã hội; vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng Dân tộc, thành viên Ủy ban của Quốc hội, dư luận, cử tri và Nhân dân quan tâm, đòi hỏi phải được làm rõ, giải quyết kịp thời để bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; vấn đề xảy ra vi phạm pháp luật hoặc có nhiều hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục; vấn đề đã ghi trong các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề hoặc kết luận vấn đề được giải trình, kiến nghị giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội nhưng thực hiện chưa hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Đối với người được yêu cầu giải trình, theo hướng dẫn của Nghị quyết là: thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Việc lựa chọn người được yêu cầu giải trình đối với phiên giải trình cụ thể phải là người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trực tiếp hoặc có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết đối với vấn đề được giải trình. Người được yêu cầu tham gia giải trình là đại diện lãnh đạo Bộ, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cá nhân khác có liên quan đến thẩm quyền quản lý nhà nước hoặc có chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giải quyết đối với vấn đề được giải trình.
Cũng theo Nghị quyết, việc tổ chức hoạt động giải trình thuộc 2 trường hợp: một là, theo chương trình giám sát hằng năm của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; hai là do yêu cầu đột xuất của thực tiễn. Đáng chú ý, trường hợp hoạt động giải trình được tổ chức do yêu cầu đột xuất của thực tiễn thì có thể do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công hoặc có thể do Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội thấy cần tổ chức.
Hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của người được yêu cầu giải trình
Điều 16 Nghị quyết đã hướng dẫn cụ thể về việc thông qua kết luận và gửi kết luận vấn đề giải trình, trong đó yêu cầu kết luận vấn đề được giải trình phải có kiến nghị, yêu cầu cụ thể, rõ ràng, thời gian thực hiện, trách nhiệm thực hiện kết luận, trách nhiệm báo cáo việc thực hiện kết luận của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Kết luận vấn đề được giải trình được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội, người được yêu cầu giải trình và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng, trừ trường hợp phải bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư, bí mật kinh doanh được pháp luật bảo vệ.
Để tăng cường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận sau phiên giải trình, Điều 17 của Nghị quyết hướng dẫn trách nhiệm của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội chủ động theo dõi, kịp thời đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện kết luận vấn đề được giải trình; xem xét, đánh giá báo cáo việc thực hiện kết luận và báo cáo kết quả thực hiện đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc theo dõi thực hiện kết luận vấn đề được giải trình được tổng hợp vào báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện kết luận vấn đề được giải trình, Nghị quyết cũng hướng dẫn: Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc chậm thực hiện kết luận vấn đề được giải trình thì Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình và làm rõ trách nhiệm về việc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc chậm thực hiện kết luận; kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Để hoạt động giải trình bảo đảm chất lượng, hiệu quả, bên cạnh các hướng dẫn đối với các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Điều 6 của Nghị quyết hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của người được yêu cầu giải trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Theo đó, người được yêu cầu giải trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; cung cấp thông tin liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, trừ thông tin thuộc bí mật nhà nước mà theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước thì chủ thể yêu cầu không thuộc diện được tiếp cận; báo cáo trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giám sát; thực hiện kết luận vấn đề được giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Người được yêu cầu giải trình có trách nhiệm tham dự phiên giải trình để trực tiếp báo cáo, giải trình những vấn đề mà thành viên Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tham dự yêu cầu giải trình; trường hợp bất khả kháng không thể tham dự phiên giải trình thì có thể ủy quyền cho cấp phó của mình tham dự và phải gửi văn bản đến Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội nêu rõ lý do ủy quyền và người được ủy quyền chậm nhất 5 ngày trước ngày tiến hành phiên giải trình.
Bên cạnh trách nhiệm, Nghị quyết cũng quy định về quyền của người được yêu cầu giải trình và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến trách nhiệm giải trình như: được thông báo trước về thời gian, kế hoạch tổ chức, nội dung phiên giải trình, nội dung được yêu cầu giải trình, trả lời về vấn đề liên quan đến hoạt động giải trình; đề nghị Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội xem xét lại nội dung dự thảo kết luận vấn đề được giải trình trước khi thông qua; trường hợp không tán thành với kết luận vấn đề được giải trình và có căn cứ xác định kết luận vấn đề được giải trình chưa khách quan, chưa đúng thực tế thì tự mình hoặc báo cáo với người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại kết luận vấn đề được giải trình.