“Tưởng tiết kiệm, thành ra tốn kém”
Cùng với sự phát triển của xu hướng sống xanh, xe máy điện đang ngày càng được nhiều người Việt ưa chuộng vì ưu điểm tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường và giảm ô nhiễm tiếng ồn.
Tuy nhiên, giống xe máy xăng, xe máy điện khó tránh khỏi những hư hỏng trong quá trình sử dụng, bao gồm hệ thống pin. Một số chủ xe máy điện vì muốn tiết kiệm chi phí đã lựa chọn pin độ, chế không rõ nguồn gốc.
Đó là trường hợp của anh Hữu Phương, sống tại TP. Hồ Chí Minh. Anh từng được một người bạn tư vấn thay pin độ tại một cửa hàng tư nhân, giúp xe đi xa hơn, đồng thời xe có thể thay IC để “mở” tốc độ giới hạn. Sau hơn 5 tháng sử dụng, chiếc xe của anh bất ngờ chập điện khi đang sạc, khiến cả bộ pin và nhiều hệ thống điện hư hỏng nặng.
“Tôi biết lựa chọn này có thể không tương thích hoàn toàn với chiếc xe nhưng không nghĩ lại nguy hiểm đến thế”, anh Phương nói.
Thực tế, sử dụng pin độ, chế tuy có chi phí rẻ hơn nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn và gây tổn thất về lâu dài. Không ít vụ cháy, nổ liên quan đến xe máy điện tại Việt Nam xuất phát từ việc người dùng thay thế các loại pin độ, chế.
Loại pin này thường được các cửa hàng tư nhân quảng cáo là an toàn nhưng lại sử dụng các vật liệu và cell pin không rõ nguồn gốc. Việc độ, chế thường cũng được thực hiện thủ công bằng cách gom các loại pin cũ không rõ tình trạng để tự đấu nối, nâng dung lượng pin.
Theo các chuyên gia, với các tấm pin cũ, nhiều bộ cell pin thực tế đã rơi vào tình trạng hỏng hóc. Khi ghép các tấm pin với nhau, dù tổng dung lượng được quảng cáo tăng lên nhưng thực tế số lượng pin còn hoạt động không nhiều dẫn tới hiệu suất thực tế rất thấp. Thậm chí, vì là tập hợp của nhiều cell pin “thương binh”, cùng hệ thống tản nhiệt không đảm bảo nên các tấm pin dễ xảy ra tình trạng quá nhiệt, thậm chí chập, cháy.
Bên cạnh nhược điểm thiếu an toàn, pin độ, chế còn có tuổi thọ ngắn, phải thay thế thường xuyên, tăng chi phí sử dụng về lâu dài.
“Pin độ, chế có rất nhiều mức giá, trải dài từ 8 triệu đồng đến 18 triệu đồng, tưởng tiết kiệm nhưng lại thành ra tốn kém. Sau sự cố, tôi đã mang xe tới xưởng dịch vụ chính hãng sửa chữa và mua pin chính hãng”, anh Hữu Phương cho hay.
An toàn, tiết kiệm về lâu dài
Trước những nguy cơ lớn từ các loại pin trôi nổi, giới chuyên gia khuyến cáo, người dùng cần tuân thủ các quy định về an toàn, đặc biệt là việc sử dụng pin chính hãng cho xe máy điện.
Giải thích cụ thể hơn, ông Vũ Đình Duy, một kỹ sư có hơn 20 năm công tác trong ngành cơ điện tử cho hay, khác với các loại pin không rõ nguồn gốc, pin chính hãng được đảm bảo an toàn “từ ngoài vào trong”. Lấy ví dụ về VinFast - thương hiệu xe máy điện quen thuộc với người dùng Việt, theo ông, hệ thống pin xe máy điện đạt chuẩn như VinFast thường sẽ được tính toán kỹ từ các vật liệu bảo vệ bên ngoài.
Thậm chí, theo tìm hiểu của ông, lớp “áo giáp” của pin xe máy điện chính hãng như VinFast được thiết kế tới 2 lớp để bảo vệ tốt nhất cho hệ thống cell pin bên trong. Việc thiết kế hệ thống cell cũng được nghiên cứu cẩn thận để giữ được sự ổn định và an toàn trong các tình huống thực tế.
Theo ông Duy, quy định hiện đã có các tiêu chuẩn rất chi tiết với hệ thống pin. Ví dụ như Tiêu chuẩn QCVN91:2019/BGTVT là bộ yêu cầu chi tiết với các bài test “khó nhằn” như ngâm nước, thử khả năng chịu rung, chèn ép… Mỗi bài thi đều mô phòng tình huống thực tế như bài thả rơi tự do cần thực hiện 6 lần theo các hướng khác nhau từ độ cao 1m xuống mặt bê tông. Chỉ những viên pin được bảo vệ tốt mới vượt qua được các bài thử khó này.
Hay, với tiêu chuẩn Tiêu chuẩn UN 38.3, hệ thống pin cũng phải vượt qua loạt bài kiểm tra về va đập, đoản mạch, kiểm tra sạc quá mức, kiểm tra phóng điện cưỡng bức…
“Chắc chắn các loại pin trôi nổi không có bất cứ tiêu chuẩn nào như trên, thậm chí có thử cũng không thể đạt vì yêu cầu kỹ thuật rất cao. Trong khi đó, các hãng xe lớn như VinFast tuân thủ rất nghiêm các tiêu chuẩn trên. Đó là sự khác biệt rõ rệt giữa sản phẩm chính hãng và hàng độ, chế”, vị chuyên gia nói.
Theo ông, những dòng xe điện phổ biến hiện tại như VinFast đang sử dụng pin LFP. Đây là dòng pin có tuổi thọ sử dụng cao và khả năng ổn định nhiệt tốt. “Pin LFP như của VinFast có thể sạc, xả tới 2.000 lần mà vẫn đảm bảo dung lượng pin còn tới 70%, gấp khoảng 5 lần ắc quy axit chì kiểu cũ”, ông Duy nói. Ông cũng đánh giá cao trang bị này của xe máy điện VinFast bởi nhà sản xuất Việt rõ ràng đã nghiên cứu kỹ về thị trường và nhu cầu của người dùng Việt Nam - nơi xe máy là phương tiện di chuyển chính của đông đảo người dân.
Ngoài khả năng đảm bảo an toàn tốt, độ bền cao, hệ thống pin LFP chính hãng của VinFast còn giúp người dùng yên tâm về khả năng chống nước chuẩn IP67, khả năng chống nhiệt tốt cùng dòng xả ổn định ngay cả khi dung lượng pin dưới 50%, giúp xe không bị giảm tốc độ trong nhiều tình huống.
“Sử dụng pin chính hãng, chi phí tưởng chừng cao hơn so với pin bên ngoài nhưng thực chất lại là giải pháp tiết kiệm bởi độ bền cao, trải nghiệm tốt và không cần lo lắng về an toàn cháy, nổ”, ông Vũ Đình Duy tổng kết.