Áp dụng chế tài xử phạt được đẩy mạnh
Báo cáo kết quả giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày cho biết, trong giai đoạn từ 2011- 2016, nước ta đã có 158 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP). Nội dung các văn bản ban hành đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về ATTP; nội luật hóa các điều ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia, thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại phiên họp thứ 9 UBTVQH chiều 20.4 |
Triển khai chính sách pháp luật về ATTP, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các cấp theo chức năng nhiệm vụ được giao đã khẩn trương ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan chức năng thực hiện. Hoạt động của các Ban chỉ đạo liên ngành đã được tăng cường cả ở Trung ương và địa phương. Nội dung hoạt động có sự đổi mới, tập trung vào thanh tra, kiểm tra liên ngành, xử lý sự cố ATTP, giải quyết các vướng mắc trong phân công, phân cấp quản lý ATTP. Đoàn thanh tra liên ngành đã có sự đổi mới theo hướng tăng cường thanh tra đột xuất, áp dụng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến huyện, xã. Về kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, từ năm 2011 - 2016, cả nước đã thành lập được 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các ngành chức năng, tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm. Các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành, đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về ATTP. Việc áp dụng các chế tài xử phạt đã được đẩy mạnh, với tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 30% năm 2011 lên hơn 67% trong năm 2016; số tiền phạt trung bình mỗi cơ sở tăng từ 1,35 triệu đồng năm 2011 lên 3,73 triệu đồng năm 2016. Cùng với việc xử phạt hành chính, các cơ quan chức năng đã kiên quyết xử lý tiêu hủy đối với sản phẩm không bảo đảm ATTP; thu hồi các loại giấy xác nhận.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ rõ, công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các cấp còn chưa thường xuyên; bộ máy quản lý ATTP còn một số bất cập cả về tổ chức, nguồn lực và cơ chế phối hợp. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP đối với ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền nhiễm, kiểm soát giết mổ động vật… bộc lộ không ít tồn tại, yếu kém khi tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Việc quản lý ATTP đối với rau, quả, thịt, sản phẩm thịt tươi sống, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật còn là khâu yếu. Trong khi đó, việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe; đầu tư nguồn lực, điều kiện làm việc, trang thiết bị cho công tác quản lý ATTP còn hạn chế…
Chưa làm nổi bật được đánh giá về tình trạng ATTP
Nhận thức sâu sắc về vị trí hết sức quan trọng của công tác bảo đảm ATTP đối với phát triển kinh tế -xã hội, đối với sức khỏe người dân hiện tại và trí tuệ, thể lực trong tương lai, Đoàn giám sát của QH kiến nghị cần sớm tổng kết đánh giá 5 năm triển khai thi hành Luật ATTP và các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Thanh tra, Luật Đất đai, Bộ Luật Hình sự… để sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP, góp phần nâng cao hiệu lực pháp lý, thống nhất và đồng bộ. Đề xuất cơ chế, chính sách cho người dân và doanh nghiệp liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; chính sách đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển các mô hình chuỗi giá trị thực phẩm theo hướng sản xuất quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu, từ đó nhân rộng ra cả nước…
Với nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện, Đoàn giám sát đề nghị phải tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị đối với công tác bảo đảm ATTP, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý chất lượng, ATTP theo đúng phân cấp quản lý. Xây dựng văn bản, quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành nhằm phát huy hiệu quả tối đa công tác chủ động kiểm soát chất lượng, ATTP theo chuyên môn và các lĩnh vực chuyên ngành phụ trách…
Đối với giải pháp về nguồn lực, ưu tiên bảo đảm cấp đủ ngân sách nhà nước cho hoạt động quản lý nhà nước về ATTP; cho phép sử dụng 100% nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP. Tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực vận động sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho công tác bảo đảm ATTP…
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp thứ 9 UBTVQH chiều 20.4 |
Tán thành với nội dung Báo cáo kết quả giám sát, nhiều thành viên UBTVQH cho rằng, qua giám sát cho thấy, quản lý nhà nước về thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP dù đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả chưa được như mong muốn; nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe do thực phẩm không an toàn là nỗi lo hiện hữu đối với người dân. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp xảy ra nghiêm trọng như ngộ độc rượu gây chết người, làm cho nhân dân lo sợ và là mối quan tâm ngày càng lớn của xã hội. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Báo cáo chưa làm nổi bật được những nhận định, đánh giá về tình trạng ATTP cũng như chưa tương xứng với chủ đề nóng đã được UBTVQH lựa chọn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, cần làm rõ hơn nội dung về hành lang pháp lý, bởi hiện nay không chỉ có Luật ATTP mà còn có nhóm luật liên quan đến một số lĩnh vực chuyên ngành như Luật Hóa chất, Luật Thú y… Ngoài ra, còn nhóm văn bản pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm, đó là pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật hình sự. Ví dụ, với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì hình phạt nhẹ nhất là 2 - 5 năm tù; nếu vi phạm nghiêm trọng có thể bị tù chung thân hoặc tử hình. Do vậy, hành lang pháp lý hiện nay hoàn toàn đủ sức răn đe với các tội phạm liên quan tới vấn đề ATTP.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp thứ 9 UBTVQH chiều 20.4 |
Từ thực tế triển khai thực hiện các hoạt động giám sát, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cũng chỉ rõ, Luật có đầy đủ, nhưng việc đưa ra xử lý còn khó khăn, vì để đánh giá những tổn hại đến sức khỏe của người tiêu dùng thì chưa có tiêu chí cụ thể nào. Chính vì vậy, có một thực tế là Luật nghe rất nghiêm khắc nhưng lại không xử được ai.