Cùng dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam; các thành viên Đoàn giám sát...
Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn đã được Ninh Thuận triển khai đồng bộ, tập trung vào các nội dung trọng tâm và đạt được mục tiêu cơ bản theo kế hoạch đề ra. Tính đến ngày 30.6.2023, Ninh Thuận giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương năm 2022 đạt 90% và dự kiến đến 30.7.2023, sẽ giải ngân hết 100% số vốn năm 2022 chuyển sang. Ninh Thuận cũng đã huy động từ nhiều nguồn vốn khác để lồng ghép thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, nâng tổng vốn thực hiện trong giai đoạn 2021-2023 là hơn 4.500 tỷ đồng, góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chương trình.
Qua triển khai thực tế, Ninh Thuận vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế, bất cập như: một số văn bản hướng dẫn của Trung ương ban hành chậm, chưa đồng bộ; chưa hoàn thành việc bổ sung, điều chỉnh một số quy định, hướng dẫn chi tiết còn chưa thống nhất, hoặc chưa phù hợp theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 vẫn chưa được giao về cho địa phương, dẫn đến khó khăn trong xây dựng kế hoạch cho cả giai đoạn 5 năm và cân đối vốn đối ứng thực hiện các Chương trình.
Một số nội dung theo phân cấp chưa được các huyện bố trí vốn đối ứng bảo đảm đủ theo tỷ lệ (cả vốn đầu tư phát triển lẫn vốn sự nghiệp); quy định bộ máy giúp việc các cấp bảo đảm chuyên trách, chuyên nghiệp, ổn định, bền vững nhưng không làm phát sinh tổng biên chế đã giao. Điều này khó thực hiện ở cấp huyện, xã vì biên chế được giao rất ít không thể bố trí chuyên trách. Ở cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nhân sự nên dẫn đến việc theo dõi triển khai các Chương trình, Dự án hiệu quả chưa cao.
UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị cho phép được chuyển nguồn kinh phí sự nghiệp của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đối với vốn ngân sách địa phương đối ứng năm 2022 sang năm 2023 thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, quy định việc chuyển nguồn kinh phí thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn còn lại 2023-2025 được phép chuyển nguồn sang năm sau để các đơn vị, địa phương chủ động hơn trong thực hiện giải ngân nguồn vốn.
Đoàn giám sát đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Thuận trong phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục khó khăn, nhất là sau đại dịch Covid-19; chủ động, tích cực chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới bước đầu cơ bản đạt yêu cầu.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị Ninh Thuận cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn nữa, phát huy, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả đối với việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị, sở, ngành và trong tổ chức triển khai các Chương trình.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương còn vướng mắc để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời. Rà soát, đánh giá lại dự kiến mức độ thực hiện và khả năng hoàn thành của từng Chương trình tính đến các mốc hết 2023, 2024 và 2025, cụ thể đối với từng dự án, nội dung thành phần. Xác định các nguyên nhân, các yếu tố tác động để có biện pháp cụ thể thực hiện việc giải ngân nguồn vốn Trung ương đã phân bổ năm 2021, 2022, 2023.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận cần đánh giá kết quả việc thực hiện các nguyên tắc, giải pháp, cơ chế quản lý thực hiện Chương trình; thực hiện tốt các giải pháp tỉnh đã đề ra để nâng cao hiệu quả thực hiện các Chương trình trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý Ninh Thuận tiếp thu đầy đủ ý kiến của Tổ công tác và các thành viên Đoàn giám sát, bổ sung hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn giám sát. Trong đó, lập danh mục các nội dung còn khó khăn, vướng mắc; các kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, các bộ, ngành về từng Chương trình, các dự án, tiểu dự án.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã trao hai bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng UBND tỉnh và Lực lượng vũ trang tỉnh Ninh Thuận.
Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại hai xã Bắc Sơn và Phước Kháng, huyện Thuận Bắc.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và Đoàn đã trao nhiều phần quà ý nghĩa tặng các gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số Rắcglai có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.