Để đạt được mục tiêu đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tháng 11.2021: đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, Việt Nam cần có kế hoạch, lộ trình và hành động mạnh mẽ của nhiều ngành nghề, trong đó có 5 ngành chính là: Năng lượng; Công nghiệp; Giao thông Vận tải, Nông nghiệp; Công nghệ thông tin và Truyền thông.
Trong đó, cắt giảm phát thải trong ngành giao thông vận tải là một trong những mục tiêu mũi nhọn. Tại Quyết định số 876/QĐ-TTg được Thủ tướng ban hành tháng 7.2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, khẳng định quan điểm: Chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26; đồng thời là cơ hội để ngành giao thông vận tải phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển tiên tiến của thế giới.
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030: nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực
Giai đoạn đến năm 2050: phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
Để đạt mục tiêu này, cần có những giải pháp giúp ngành giao thông vận tải nói chung và giao thông đường bộ nói riêng vừa từng bước chuyển đổi hướng đến phát triển bền vững, vừa tiếp tục đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế. Đây cũng là lý do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Hội thảo “Phát triển giao thông đường bộ xanh hướng đến Net Zero 2050”.
Các khách mời tham gia Hội thảo:
- Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội;
- Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;
- Ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải;
- Ông Hồ Công Hòa, Phó Trưởng ban Nghiên cứu xã hội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương;
- Ông Nguyễn Hoàng Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội.