"Địa chỉ đỏ" đầu tiên Chi bộ đến dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ TNXP tại Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái.
Ngược dòng lịch sử, năm 1972, mặc dù bị thất bại liên tiếp trên các chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu xâm lược, tiếp tục leo thang chiến tranh, điên cuồng bắn phá miền Bắc, gây khó khăn cho việc tiếp nhận, vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện các chiến trường của quân và dân ta. Tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên và Bắc Kạn) đã trở thành huyết mạch giao thông, “cảng cạn” có nhiệm vụ tiếp nhận, trung chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm… của các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta từ biên giới ra các chiến trường.
Tháng 6.1972, Đại đội 915 thuộc Đội TNXP 91 Bắc Thái được thành lập với 102 cán bộ, đội viên, chủ yếu là người Tày, người Nùng, người Dao. Trong chiến sự ác liệt, các cô gái, chàng trai Đại đội 915 tuổi 18, đôi mươi, có nhiệm vụ duy trì hoạt động các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh thường xuyên bị máy bay Mỹ ném bom ác liệt nhất, hướng dẫn xe vượt trọng điểm với tinh thần: “Sống bám cầu đường, chết kiên cường bất khuất”.
Ngày 24.12.1972, trong thời khắc đêm Giáng sinh, trong căn hầm trú ẩn ở Gia Sàng, những trái bom oan nghiệt làm cho 60 TNXP hy sinh khi đang ở độ tuổi “mười tám, đôi mươi”.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, ký ức về một đêm lạnh lẽo thê lương, kinh hoàng đó vẫn không nguôi ám ảnh. 60 cuộc đời thanh xuân, 60 câu chuyện 915 đã hóa thân vào đất Mẹ. Linh hồn của các Chị, các Anh đã hòa vào đất trời Thái Nguyên thành hồn thiêng sông núi.
Nơi căn hầm đau thương năm xưa ở Gia Sàng, nay trở thành Khu di tích lịch sử quốc gia mà trái tim của Khu di tích chính là Nhà tưởng niệm TNXP 915. Sự hy sinh, hiến dâng tuổi trẻ của các anh chị vì nền độc lập của tổ quốc đã làm nên một Đại đội 915 bất tử và cũng trở thành khúc tráng ca bất tử, chói ngời cho các thế hệ trẻ Việt Nam đời đời ghi nhớ.
Rời Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đoàn tiếp tục đến thăm Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Thái Nguyên được thành lập năm 1960 với tên gọi ban đầu là Bảo tàng Việt Bắc, nơi lưu giữ lịch sử thiêng liêng của một thời chiến khu Việt Bắc anh hùng. Năm 1976, bảo tàng trở thành ngôi nhà chung lưu giữ và tòa sáng văn hóa 54 dân tộc trên khắp mọi miền đất nước và chính thức đổi tên là Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam năm 1990. Đây là 1 trong 5 bảo tàng quốc gia và vinh dự đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh đầu tiên về kiến trúc.
Bảo tàng có 5 khu trưng bày trong nhà được thiết kế trên cơ sở các nhóm ngôn ngữ kết hợp với văn hóa vùng, giới thiệu bản sắc văn hóa 54 tộc người gắn với cảnh quan môi sinh từng vùng cư trú, thông qua những hình ảnh trực quan gần gũi. Đó là sự kết hợp giữa tĩnh và động, giữa quá khứ và hiện đại.
Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam Nguyễn Cảnh Phương, hiện nay trên 4.500 tài liệu hiện vật gốc, phim ảnh, 735 tài liệu khoa học bổ trợ, hệ thống trưng bày của Bảo tàng được đầu tư xây dựng theo phương pháp tiến tiến, hiện đại. Các thiết bị tin học điện tử và phần mềm âm thanh đã tái hiện được cảnh quan cư trú và đời sống văn hoá 54 tộc người, hấp dẫn công chúng tham quan...
Cùng với các hoạt động Bảo tàng, cán bộ, viên chức thường xuyên nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp viện về lĩnh vực văn hoá dân tộc, nhằm phục vụ tốt công tác và nâng cao kỹ năng chuyên môn. Bên cạnh đó, các hoạt động giảng dạy chuyên nghành, công tác toạ đàm, trao đổi, học tập kinh nghiệm cũng được cán bộ bảo tàng quan tâm...
Chi bộ Ban Công tác Hội đồng Nhân dân và Phóng viên thường trú và Chi bộ Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, công tác phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng.
Thay mặt Chi bộ, Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng Ban Công tác Hội đồng Nhân dân và Phóng viên thường trú Trần Chí Tuấn đã gửi lời cảm ơn chân thành và những tình cảm mà Lãnh đạo Bảo tàng dành cho toàn thể Chi bộ.
Bí thư Chi bộ Trần Chí Tuấn cũng đã giới thiệu đến lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Bảo tàng về vị trí, vai trò, chức năng của Báo Đại biểu Nhân dân. Báo Đại biểu Nhân dân là tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của ĐBQH, HĐND và cử tri cả nước. Báo Người ĐBND được thành lập năm 1988, đến năm 2009, Ủy ban Thường vụ Quộc hội ban hành Nghị quyết 816 về việc nâng cấp và đổi tên Báo Người Đại biểu Nhân dân thành Báo Đại biểu Nhân dân, báo loại I. Cùng với tờ báo in truyền thống (nhật báo), Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân cũng đang phát triển mạnh mẽ, số lượng người truy cập rất lớn, cùng với đó là các nền tảng trên Internet như Facebook, Youtube, Tiktok.
Hiện nay Báo Đại biểu Nhân dân có 6 Ban và 5 phòng. Trong đó, Ban Công tác Hội đồng Nhân dân và Phóng viên thường trú thực hiện nhiệm vụ thông tin về hoạt động HĐND các cấp; phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri; thông tin tuyên truyền các hoạt động kinh tế, xã hội các địa phương...
Bên cạnh đó, với vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, các phóng viên cũng thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò, đóng góp của văn hóa trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Đặc biệt về cơ chế, chính sách trong công tác quản lý và đầu tư vận hành bảo tàng nói chung và bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam nói riêng trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghệ 4.0 hiện nay.
Hiện nay, Đảng bộ cơ sở Báo Đại biểu Nhân dân có 6 Chi bộ, với tổng số 93 đảng viên, trong đó Chi bộ Ban Công tác Hội đồng Nhân dân và Phóng viên thường trú có 22 đảng viên. Đây là những đảng viên say nghề, luôn dấn thân cống hiến, có mặt ở mọi lúc, mọi nơi phản ánh hơi thở thực tiễn của cuộc sống, giúp cơ quan quản lý tham khảo nhằm điều chỉnh, hoạch định chính sách cho phù hợp thực tiễn. Đặc biệt, Chi bộ vinh dự có đồng chí Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập sinh hoạt cùng Chi bộ. Đây là sự quan tâm đặc biệt, qua đó Chi bộ không chỉ được nghe, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bí thư Đảng ủy trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ mà còn truyền động lực cho toàn thể đảng viên quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Chi bộ đã thực hiện nghiêm túc Điều lệ Đảng, sinh hoạt chi bộ định kỳ, qua đó phổ biến, quán triệt các Nghị quyết của Trung ương, nghị quyết của Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Nghị quyết Đảng ủy cơ sở Báo Đại biểu Nhân dân đến từng Đảng viên. Quán triệt nội dung 19 điều đảng viên không được làm; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; qui định sử dụng mạng xã hội; 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
Đặc biệt, Chi bộ lồng ghép phong trào gắn với thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn như: Viết bài tham gia giải báo chí Búa liềm vàng, giải báo chí bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giải báo chí Quốc gia, giải Diên Hồng... Đến nay, Chi bộ có 6 đảng viên vinh dự đoạt các giải thưởng danh giá nêu trên.
Thực hiện Nghị quyết Chi bộ, các buổi sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ luôn hướng về địa phương, gắn với các cơ sở đảng địa phương. Do đó, Chi bộ Ban Công tác HĐND chọn Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên - Thủ đô gió ngàn là điểm sinh hoạt chuyên đề Qúy II. Điều này càng ý nghĩa hơn lại đúng dịp kỷ niệm 98 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Qua buổi sinh hoạt chuyên đề, Bí thư Chi bộ Trần Chí Tuấn mong muốn hai đơn đơn vị tăng cường sự gắn kết hơn nữa trong công tác phối hợp tuyên truyền. Đồng thời, mong muốn mỗi đảng viên luôn phát huy trí tuệ, tâm huyết không ngừng tu dưỡng bản lĩnh chính trị, tác phong lề lối làm việc khoa học, sáng tạo, phát huy vai trò nêu gương của người Đảng viên, góp góp phần xây dựng Chi bộ luôn đoàn kết, trong sạch, vững mạnh...
+ Cũng trong khuôn khổ chương trình, Chi bộ đã đến thăm trụ sở làm việc của Văn phòng thường trú Báo Đại biểu Nhân dân khu vực Việt Bắc tại TP. Thái Nguyên.