Phát huy tính chủ động sáng tạo của tổ chức, cá nhân tham gia
Cho ý kiến về dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, các biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật với những nội dung như Tờ trình của Chính phủ đã nêu và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
ĐBQH Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận) nhấn mạnh, việc ban hành Luật là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh Tổ quốc từ sớm, từ xa; tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho các hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động công nghiệp quốc phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đối với nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn Thuận nêu rõ, Điều 18 dự thảo Luật quy định về cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh. Trong đó, theo khoản 7 “Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh theo nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền phê duyệt được hưởng chính sách miễn trách nhiệm dân sự theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro do nguyên nhân khách quan”.
Cho rằng, tinh thần chung của nội dung quy định này là tạo điều kiện và phát huy cao tính chủ động sáng tạo của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ quốc phòng và an ninh, song, đại biểu Nguyễn Văn Thuận đề nghị, cần nghiên cứu, rà soát lại nội dung này. Bởi, hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng và an ninh thực hiện theo Luật Khoa học và công nghệ, nhưng dự thảo Luật hiện vẫn chưa quy định cụ thể về miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro gây ra cho Nhà nước, các đối tượng khác ngoài Nhà nước.
Theo ĐBQH Nguyễn Văn An (Thái Bình), nội dung ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài khoa học và công nghệ được quy định tại Điều 23, Luật Khoa học và công nghệ năm 2013; chính sách thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được quy định tại Điều 24.
Trong đó, nội dung hai điều này quy định rất rõ ưu đãi đối với từng chức danh như: người được bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ (khoản 1 Điều 23); nhà khoa học đầu ngành (khoản 2 Điều 23); nhà khoa học (khoản 3 Điều 23); nhà khoa học trẻ tài năng (khoản 4 Điều 23); cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài (khoản 2 Điều 24) và chuyên gia nước ngoài (khoản 3 Điều 24).
Tuy nhiên, khoản 4 Điều 50 dự thảo Luật đang điều chỉnh chỉ với “chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước”. Việc quy định như vậy chưa thể hiện rõ ràng trong phạm vi điều chỉnh “là người Việt Nam ở nước ngoài” và chưa bao quát hết các đối tượng “nhà khoa học”, “nhà khoa học trẻ tài năng”,… như quy định của Luật Khoa học và công nghệ.
Do đó, đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị, nghiên cứu, xem xét, rà soát kỹ lưỡng nội hàm, đối tượng cần điều chỉnh về cơ chế, chính sách của Điều 50 và Điều 51 dự thảo Luật sao cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Khoa học và công nghệ hiện hành.
Bảo đảm hoạt động đấu giá diễn ra công bằng, minh bạch
Góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, ĐBQH Trần Quốc Nam (Ninh Thuận) nêu thực tế ở nhiều địa phương hiện nay khi tổ chức đấu giá nhất là đối với những tài sản có giá trị như bất động sản, vàng, kim cương thì thường tập trung vào một số “nhóm lợi ích”.
Theo đó, khi tiến hành đấu giá sẽ xuất hiện một nhóm đối tượng tìm mọi cách để trúng được phiên đấu giá, thậm chí tụ tập bên ngoài phiên đấu giá khiến những người thực sự có nhu cầu khó có thể tham gia. Tuy vậy, Luật Đấu giá tài sản hiện hành và dự thảo Luật Chính phủ trình cũng chưa đề cập và chưa có sự điều chỉnh, bổ sung cụ thể để giải quyết vấn đề này.
Nhấn mạnh trách nhiệm quan trọng là phải bảo đảm an ninh trật tự và quyền lợi của những người tham gia đấu giá hợp pháp và để hoạt động đấu giá diễn ra một cách công bằng, minh bạch, đại biểu cho rằng, trách nhiệm này phải là của chính quyền địa phương sở tại, còn những tổ chức có tài sản đấu giá muốn thực hiện chức năng này cũng tương đối khó.
Đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu xem xét bổ sung trong dự thảo Luật một quy định rõ ràng liên quan đến hành vi này và giao trách nhiệm cho các cơ quan chức năng kiểm soát, quản lý và xử lý những trường hợp gây nhũng nhiễu, khó khăn cho công tác tổ chức đấu giá. Có như vậy thì hoạt động đấu giá mới thật sự công bằng, công tâm và minh bạch; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người tham gia đấu giá chân chính.
Cũng nêu quan điểm về các hành vi bị nghiêm cấm, ĐBQH Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) bày tỏ đồng tình với ý kiến trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về việc xác định “nhằm mục đích trục lợi” trong quy định cấm “để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi” là rất khó và đề nghị bỏ cụm từ “nhằm mục đích trục lợi” để bảo đảm tính khả thi của quy định.
Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn bởi rất khó để xác định hành vi làm lộ lọt thông tin nhằm mục đích trục lợi hay không, cố ý hay không cố ý và liệu có phải “không quản được thì cấm”? Nhưng nếu không quy định trong Luật thì cũng vô tình tạo nên kẽ hở về pháp luật và đánh đồng hành vi vô tình với hành vi cố ý.
Do đó, đại biểu đề nghị, cân nhắc thêm về vấn đề này, có thể vẫn giữ lại nội dung “nghiêm cấm hành vi làm lộ lọt thông tin về người đăng kí tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi” để tạo điều kiện thuận lợi cho những văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện.