“Không phải 16 -18 tuổi là nghiễm nhiên được điều khiển xe dưới 50CC”
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy dưới 50 phân khối; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh từ 50 phân khối trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự.
Trên thực tế, học sinh cấp 3, người trên 16 tuổi sử dụng xe dưới 50 phân khối tham gia giao thông rất nhiều. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ trình tại kỳ họp thứ Sáu, Khóa XV chưa đề cập về đào tạo, sát hạch đối với người điều khiển xe máy dưới 50 phân khối. Thay vào đó, dự thảo đề xuất Chính phủ quy định chi tiết về hạng giấy phép lái xe, thời hạn giấy phép lái xe tại văn bản hướng dẫn.
Theo PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải, việc sử dụng phương tiện xe máy, xe máy điện dưới 50CC, có công suất lớn nhất không lớn hơn 4kW, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h thì không phải giấy phép lái xe cần cân nhắc kỹ lưỡng. Ở trong trong thành phố, chạy dưới 50 km/giờ nếu xảy ra va chạm cũng gây hậu quả rất nghiêm trọng.
“Quan trọng hơn, các em phải được trang bị kiến thức khi tham gia giao thông chứ không phải đến 16 -18 tuổi là nghiễm nhiên được điều khiển xe dưới 50CC”, PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng, vấn đề này cũng được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập, bàn thảo tại Kỳ họp thứ Sáu. Bà Thoa nhấn mạnh, trẻ em ở lứa tuổi 16 - 18 tuổi sử dụng xe gắn máy dưới 50CC rất nhiều nhưng các em lại chưa nắm rõ quy tắc an toàn giao thông, pháp luật về giao thông. Do đó, bà đề nghị dự thảo luật có quy định tất cả người tham gia giao thông sử dụng xe cơ giới đều phải có giấy phép lái xe, nắm được quy định pháp luật về giao thông, quy tắc bảo đảm an toàn giao thông.
Nêu cao vai trò của gia đình, theo ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, gia đình phải phối hợp cùng nhà trường giám sát hành trình đến trường của con chứ không thể giao xe cho con khi đủ 16 tuổi.
Ở khía cạnh khác, PGS.TS Vũ Hoài Nam, Đại học Xây dựng cho rằng, cần có quy định về phương tiện giao thông như có khuyến cáo chiều cao phù hợp của yên xe hay tốc độ an toàn khi vận hành, màu sắc của xe, độ phản quang để dễ phát hiện trong đêm tối, các quy chuẩn về cơ khí, điều khiển... Việc sử dụng phương tiện an toàn phải được đưa vào trong luật.
Bổ sung quy định bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông
Một trong những điểm được nhiều đại biểu đánh giá cao trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là việc quy định về thiết bị an toàn trên ô tô, quy định bảo vệ cho trẻ em khi ở trên ô tô. Đây là quy định cần thiết khi tỷ lệ ô tô đã, đang và sẽ tăng với tỷ lệ khoảng 10 - 15 %/năm.
PGS. TS Phạm Việt Cường, Đại học Y tế Công cộng cho rằng, dự thảo Luật quy định sử dụng các thiết bị an toàn cho trẻ em 10 tuổi và cao hơn một mét, trẻ em 12 tuổi và cao 1,5 mét. Đây là quy định mới, đón đầu và đáp ứng xu hướng phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.
Ở khía cạnh là cơ quan nghiên cứu về các yếu tố nguy cơ về an toàn giao thông cho trẻ em, PGS. TS Phạm Việt Cường đề nghị bổ sung thêm quy định cụ thể về vị trí ngồi cho trẻ em. Trước đây, đã có quy định trẻ em không được ngồi cùng hàng ghế với người lái xe bởi nguy cơ bị trẻ có thể bị thương tích nặng hoặc tử vong nếu xảy ra va chạm, túi khí an toàn được trang bị trên ô tô có thể, trẻ em sẽ không chịu được áp lực của các túi khí khi nổ.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa cũng đề nghị bổ sung quy định việc sử dụng đai chuyên dụng, ghế ngồi an toàn cho trẻ gắn với quy chuẩn kỹ thuật cụ thể, khoa học.
Theo quy định, tất cả người tham gia giao thông bằng xe gắn máy đều phải đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, trong phần xử phạt lại không có quy định cho nhóm trẻ em dưới 6 tuổi. Ngay cả trong dự thảo luật mới cũng chưa có quy định này. Đây chính là tiềm ẩn những rủi ro có thể gây ra thiệt hại cho trẻ em, bởi theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, tỉ lệ tai nạn giao thông liên quan đến nhóm trẻ em này chiếm khoảng 6 - 8 % năm.
Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia Trần Hữu Minh
Về vị trí ngồi trên ô tô của trẻ em, ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhấn mạnh, vị trí ghế trước, thực ra ngoài tác động của túi khí, tất cả các thực nghiệm khi có tai nạn thì đều cho thấy rủi ro người ngồi cạnh ghế lái cao gấp 4 - 5 lần so với những vị trí còn lại. Trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương thì nên dành vị trí tốt hơn ở hàng ghế sau. Nhóm trẻ em dưới 12 tuổi và có chiều cao dưới 1,5m khi ngồi trên xe dưới 10 chỗ không được ngồi cùng hàng ghế người lái.
Ông đánh giá nội dung rất thực tế khác là ưu tiên phát triển vận tải công cộng bền vững. Điều này sẽ giúp trẻ em có cơ hội tiếp cận và không phải sử dụng phương tiện cá nhân, từ đó giúp các em giảm thiểu những va chạm không đáng có trên đường.