Điển hình của tình trạng rác thải là ở khu vực Dinh Cậu - điểm du lịch nổi tiếng của Phú Quốc. Theo ghi nhận thực tế, có những thời điểm đi dọc theo con đường từ miếu Dinh Cậu về phía cửa biển, rác thải nhựa trôi nổi với số lượng lớn ở trên mặt nước biển, chủ yếu là cốc nhựa, ống hút, hộp xốp đựng đồ ăn mang đi, … và một số loại rác thải nhựa khác.
Tình trạng này chủ yếu xuất hiện vào mùa mưa bão của Phú Quốc, khi nước sông Dương Đông đổ ra biển nhiều, kéo theo rác thải từ sông đổ ra biển. Rác bị sóng đánh dạt vào bãi biển Dinh Cậu sau những cơn mưa to kéo dài.
Theo chia sẻ của người dân địa phương, có nhiều nguyên nhân khiến Dinh Cậu “ngập rác”. Phần vì thị trấn Dương Đông với lượng dân cư sống ven 2 bờ sông đông đúc, số lượng lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh đổ thải thẳng xuống sông, trong khi một bộ phận du khách thiếu ý thức đến tham quan, sau khi ra về đã để lại nhiều rác trên bờ, mé biển…
Một số nguyên nhân khác còn là do tàu thuyền ngư dân đi qua lại xả rác thẳng xuống biển, rác thải nhựa từ những nơi khác bị sóng và gió xô dạt vào gần bờ biển… Qua một thời gian dài tích tụ, rác thải nhựa tăng lên đáng kể về số lượng, gây ô nhiễm, mất cảnh quan. Hiện nay theo khảo sát thực tế, bắt đầu mùa du lịch tình trạng này đã được cải thiện nhờ cả “thiên thời” hỗ trợ và “nhân hòa” góp sức dọn dẹp.
Đối với các Bãi biển, các bãi tắm gần với các Resort, vấn đề rác thải cũng được xử lý tốt hơn do đơn vị kinh doanh có kế hoạch và phương án riêng để làm sạch bãi biển nhằm tạo trải nghiệm tốt phục vụ du khách. Trong khi ở một số bãi tắm, việc dọn rác trông chờ vào các hộ kinh doanh hay nhóm thiện nguyện. Có những thời điểm không được thu gom kịp thời, rác thải ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường trên bãi tắm cũng như các hoạt động du lịch.
Ở Bãi Sao cũng xảy ra tình trạng rác thải ô nhiễm. Tại khu vực này, một phần rác do sóng đánh dạt vào bờ, một phần do khách du lịch để lại. Nhận thấy những tác động xấu của rác thải, thời gian qua, một số người dân cùng các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ trong khu vực đã chủ động phối hợp với nhau để làm sạch bãi Sao.
Bên cạnh rác thải kinh doanh và do du khách để lại, hiện tượng rác xuất hiện ở các bãi biển được lý giải một phần bởi từ tháng 5 đến tháng 10 mỗi năm, gió Tây Nam đều đẩy rác theo nước biển vào bờ từ Gành Dầu đến An Thới.
Tương tự với các đảo nhỏ, tại một số bãi biển tự phát ở Hòn Mây Rút Trong, Hòn Một, … đều ghi nhận tình trạng rác thải nhựa tích tụ, ngổn ngang. Theo phản ánh của người dân đảo, dù họ đã dọn dẹp nhưng rác thải nhựa trên biển vẫn tăng lên, trong đó có rất nhiều rác nhựa từ nơi khác trôi vào bờ rất nhiều.
Ngoài các điểm du lịch chính, đi dọc các con đường trên đảo, cũng xuất hiện hình ảnh rác thải xuất hiện ngổn ngang ở ven đường, ven sông, ven chợ, trước nhà dân, bến tàu, cảng cá …, phần lớn trong đó là rác thải nhựa.
Thực tế, gây bức xúc nhất chính là sự tồn tại của các bãi rác tạm trên địa bàn Phú Quốc. Theo tìm hiểu, năm 2017, lúc bấy giờ, trên địa bàn TP Phú Quốc có 2 bãi rác tạm tại khu vực An Thới và Ông Lang. Tuy nhiên, sau đó 2 bãi rác tạm này cũng dừng hoạt động. Hiện trên địa bàn Phú Quốc chỉ có một bãi rác tạm tại Đồng Cây Sao (xã Cửa Dương) được vận hành theo hình thức đổ lộ thiên. Mỗi ngày, bãi rác tạm này tiếp nhận khoảng 200 tấn rác trên khắp thành phố đổ về và đang bị quá tải, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nặng.
Mới đây, tháng 6.2023, Phú Quốc công bố sẽ chi 55 tỷ đồng xử lý bãi rác tạm 200.000 tấn. Đơn vị trúng thầu sẽ đốt 200.000 tấn rác tại bãi rác tạm ở xã Cửa Dương với kinh phí 55 tỷ đồng, thời gian thực hiện gần hai năm.
Nhưng trước khi việc xử lý rác được hiện thực hóa, người dân khu vực Bãi rác Đồng Cây Sao và người dân ở khu vực nhà máy rác ấp Bãi Bổn dừng hoạt động vẫn đang từng ngày phải chịu dày vò vì mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bủa vây cùng cuộc sống bị đảo lộn nặng nề do ô nhiễm không khí, nguồn nước…
Theo quy hoạch Kiên Giang đến năm 2030 vừa được phê duyệt, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.
Hành trình trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, có lẽ nên bắt đầu tư một thành phố du lịch nói không với ô nhiễm và những núi rác khổng lồ như hiện nay.