Tàu "khủng" Đức Thịnh 88 ngang nhiên bơm hút vật liệu nạo vét trái phép trên vùng biển Hà Tĩnh
Theo chân các ngư dân tại xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ra khu vực cảng Vũng Áng, nhóm phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã ghi nhận ngoài những tàu, sà lan được Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh cấp phép hoạt động thì còn rất nhiều phương tiện khác chưa được cấp phép như tàu HP-4407, PNS-HP09, tàu Long Hải 36, tàu TRANCO 18 - Vr15038053, NĐ-4096, tàu Long Quang, sà lan GD03…. Điều đáng nói, là nhiều phương tiện trong số này dù chưa được cấp phép hoạt động nhưng vẫn thực hiện công tác nạo vét, chở các chất, vật liệu nạo vét từ khu vực cảng Vũng Áng sang cảng Sơn Dương để bơm lên bãi thải.
Cụ thể, vào những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6.2024 nhóm phóng viên đã ghi nhận con tàu có ký hiệu HP-4407, PNS-HP09, sà lan GD03 đang thực hiện nạo vét các vật liệu dưới đáy biển của Dự án nạo vét giai đoạn 2 khu vực kênh xả, kênh nhập nước làm mát Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II, thuộc vùng nước cảng biển Hà Tĩnh. Theo đó, sà lan GD03 có cần cẩu gắn chiếc gàu cỡ lớn đang thực hiện nạo vét các chất vật liệu dưới đáy biển, sau đó đổ vào khoang của con tàu HP-4407, PNS-HP09.
Cũng tại khu vực cảng Vũng Áng, nhưng cách 2 phương tiện tàu và sà lan nói trên chừng 1km, tàu Long Quang được nối với đường ống lớn cũng đang bơm hút trực tiếp các chất vật liệu dưới đáy biển lên khu vực bờ cách đó chừng gần 300m. Khu vực này, cách Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh chưa đến 1km.
Đặc biệt, vào sáng ngày 3.6.2024, phóng viên phát hiện tàu Đức Thịnh 88 dù không được phép hoạt động vì chưa đủ điều kiện để cấp phép vẫn ngang nhiên sử dụng các máy múc cỡ lớn múc các vật liệu nạo vét giống như bùn đất, cát từ con tàu có ký hiệu TRANCO 18 - Vr15038053, NĐ-4096 đổ sang khoang tàu Đức Thịnh 88. Đồng thời, tàu Đức Thịnh 88 cũng dùng hệ thống máy bơm để bơm nước từ biển lên khoang tàu trộn với các vật liệu nạo vét vừa múc từ con tàu ký hiệu TRANCO 18 - Vr15038053, NĐ-4096 để bơm lên bãi thải thuộc xã Kỳ Lợi cách đó chừng 400m. Qua đối chiếu với danh sách Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh cung cấp, con tàu có ký hiệu TRANCO 18 - Vr15038053, NĐ-4096 cũng chưa được cấp phép hoạt động.
Những ngư dân nơi đây cho biết, những con tàu, sà lan nêu trên có mặt tại khu vực vùng biển cảng Vũng Áng và cảng Sơn Dương cũng đã khá lâu.
“Những con tàu này vào từng đợt. Chúng tôi cũng không biết nó đã được cấp phép hay chưa, nhưng thấy vẫn hoạt động bình thường. Những con tàu này được điều đến đây để phục vụ thực hiện các dự án nạo vét ở khu vực cảng biển Vũng Áng. Để đảm bảo vấn đề an toàn giao thông đường biển, cũng như môi trường thì các cơ quan chức năng cần giám sát, quản lý chặt chẽ”, một ngư dân nói với phóng viên.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Pháp chế Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh cho biết, đến nay để thực hiện các dự án nạo vét trên vùng biển Vũng Áng, Sơn Dương đơn vị đã cấp phép cho 31 phương tiện.
“Trước đây có 31 phương tiện gồm tàu, sà lan được cấp phép hoạt động phục vụ các dự án nạo vét kênh xả, kênh nhập nước làm mát của Nhiệt điện Vũng Áng II và một số dự án khác, nhưng hiện nay chỉ còn 26 phương tiện đang hoạt động, 5 phương tiện đã rời cảng”, ông Thắng cho biết.
Liên quan đến những phương tiện nằm ngoài danh sách các phương tiện được cấp phép ông Trần Văn Thắng cho biết, hiện này có thêm 6 phương tiện đang có đơn và chờ làm thủ tục.
“Trong quá trình chờ làm giấy phép thì có thể họ thực hiện thử việc nạo vét và họ thông báo cho mình. Nếu không thực hiện được thì có thể họ chuyển phương tiện đi nơi khác”, ông Thắng nói.
Khi phóng viên hỏi đối với các phương tiện chưa được cấp phép nhưng thực hiện nạo vét thử có cần cấp tọa độ, cung đường di chuyển để giám sát, quản lý hay không thì Trưởng phòng Pháp chế Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh cho biết, chỉ cần nằm trong khu vực của dự án là được!.
“Khi làm thì họ thông báo cho mình. Cả một vùng biển mênh mông còn tọa độ gì, chỉ cần nằm trong dự án là được. Trong khu vực khi di chuyển thì họ thông báo cho mình. Hơn nữa các tàu có quy tắc tránh va, có hải đồ, có cảnh báo nên vấn đề an toàn hàng hải được đảm bảo”, ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh cũng cho biết thêm, có nhiều phương tiện trong lúc chờ cấp phép họ thực hiện làm thử, đảm bảo thì họ mới thuê không.
“Những phương tiện này không thể thoát được vì các phương tiện đều được lắp GPS (định vị), nên tất cả các phương tiện đi trên biển là tôi nắm được hết!”, ông Tùng nói.
Liên quan đến tàu Đức Thịnh 88 của Công ty TNHH MNN Việt Nam (địa chỉ ở xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, do ông Đào Khắc Mười là người đại diện theo pháp luật) thuê lại để thực hiện Dự án nạo vét giai đoạn 2 khu vực kênh xả, kênh nhập nước làm mát Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II, từng bị lập biên bản xử phạt, đồng thời yêu cầu không được tiếp tục hoạt động vì chưa đủ điều kiện nhưng vẫn không chấp hành. Vị trí con tàu này bơm hút được nhóm phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân ghi lại vào sáng ngày 3.6 cách Đồn Biên phòng cảng Vũng Áng – Sơn Dương chỉ chừng 500m, cách Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh khoảng 4km theo đường bộ nhưng các cơ quan chức năng này không phát hiện ra.
Sau khi Báo Đại biểu Nhân dân có bài viết phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ. Hiện vụ việc này các cơ quan chức năng liên quan đang làm việc.
Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này đến bạn đọc và cử tri cả nước.