Phân luồng giao thông gây áp lực cho tỉnh Quảng Trị
Được biết, đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua địa bàn tỉnh Quảng Trị dài 37,3km được triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào khai thác từ đầu năm 2023 với quy mô 2 làn xe. Tuy nhiên, sau nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng diễn ra vào ngày 18.2.2024 và 10.3.2024 trên tuyến cao tốc này, Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản về việc phân luồng giao thông. Cụ thể, từ ngày 4.4, hạn chế xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm và xe ô tô từ 6 trục trở lên lưu thông trên tuyến.
Theo đánh giá của Cục Đường bộ Việt Nam, tình hình giao thông trên tuyến Cam Lộ - La Sơn, Quốc lộ 1 và các tuyến đường khác tương đối ổn định sau khi thực hiện phân luồng.
Ngày 22.4, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã có buổi làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết, việc phân luồng đã khiến lưu lượng phương tiện trên Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Trị tăng cao, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và bức xúc trong Nhân dân, khó khăn cho công tác quản lý, bảo đảm trật tự an toàn giao thông của địa phương.
Điều này xuất phát từ thực tiễn Quảng Trị chưa có đường tránh TP. Đông Hà, tránh các đô thị, thị trấn có mật độ phương tiện nội bộ lớn đã khiến xung đột giao thông giữa các phương tiện nội tỉnh với phương tiện quá cảnh gia tăng, mất an toàn giao thông.
Trước đó, ngày 17.4, trong buổi làm việc với Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh phục vụ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thượng tá Kiều Đức Tính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị cũng đã nhấn mạnhviệc phân luồng giao thông qua Quốc lộ 1A từ tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn thời gian qua đã đặt ra nhiều nguy cơ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Đại diện Công an tỉnh Quảng Trị đề nghị có giải pháp căn cơ mang tính khoa học và thực tiễn, không đẩy rủi ro từ nơi này sang nơi khác, ưu tiên an toàn cho người dân là trên hết.
Cần mở rộng cao tốc thành 4 làn xe hoàn chỉnh
Trong khuôn khổ hoạt động khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh tại 3 tỉnh miền Trung vừa qua, làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương có tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua với chiều dài 61km, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Hồ Xuân Phương đã chỉ ra một số bất cập về cơ sở hạ tầng trên tuyến, trong đó nhấn mạnh đến những yếu tố gây mất an toàn.
Cụ thể, một phần cao tốc Cam Lộ - La Sơn có 2 làn xe cho phép tốc độ tối đa 80km/h, không có giải phân cách cứng, đường hẹp, phương tiện vượt dễ gây tai nạn; khoảng 5 - 8km trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, lại có một đoạn 4 làn đường để phương tiện cùng chiều vượt lên. Tuy nhiên các điểm cho phép vượt chỉ dài từ 1,5 - 2km rồi lại nhập hai làn thành một làn như “nút cổ chai”. Đường lên xuống đồi dốc, nhiều khúc cua tay áo, nếu không giữ làn tốt, vào cua rất dễ đâm vào xe bên làn ngược lại, nhất là vào ban đêm, toàn tuyến không có đèn cao áp chiếu sáng hai bên…
Bên cạnh đó, đại diện Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chỉ ra một số bất cập khác như: tuyến thiếu hệ thống giám sát tốc độ, phần đường, làn đường; không có làn đường khẩn cấp, thiếu nhiều điểm dừng khẩn cấp, không có hệ thống đèn chiếu sáng, sóng điện thoại chập chờn, thiếu trạm đổ xăng, trạm dừng nghỉ.
“Ngoài ý thức của người tham gia giao thông, các vấn đề về hạ tầng trên tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông nếu người điều khiển phương tiện giao thông chấp hành không nghiêm hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn giao thông”, Đại tá Hồ Xuân Phương nhấn mạnh.
Từ đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cho biết, cùng với tuyến La Sơn - Túy Loan, cao tốc Cam Lộ - La Sơn là tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch quốc gia khi phương tiện 63 tỉnh, thành phố lưu thông Bắc - Nam đều qua đây, không giống với các cao tốc giữa 2 - 3 tỉnh. Địa phương đề nghị sớm đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch, trước mắt là 4 làn xe, có dải phân cách cứng, có làn dừng khẩn cấp và đồng bộ các thiết chế quản lý cao tốc, như: camera giám sát tốc độ, điện chiếu sáng, sóng viễn thông...
Điều chỉnh phân luồng và đẩy nhanh mở rộng cao tốc
Hiện tại, cơ sở phân luồng giao thông trên tuyến Cam Lộ - La Sơn dựa vào việc đếm, phân tích loại xe lưu thông trên đạt 9.989 PCU (hệ số quy đổi xe các loại ra xe con), so với năng lực thông hành tính toán đối với đường ô tô 2 làn xe không có dải phân cách là 9.200 - 11.000 PCU nên tuyến cao tốc đã đạt ngưỡng mãn tải; còn Quốc lộ 1 qua tỉnh Quảng Trị đạt 26.852 PCU so với năng lực thông hành tính toán đối với đường ô tô 4 làn xe có dải phân cách đạt từ 31.000 - 33.500 PCU, còn dư khoảng 6.000 PCU mới đến ngưỡng mãn tải.
Tuy nhiên, trong buổi làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam vào ngày 22.4, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Trị, Thượng tá Hoàng Văn Trung cho rằng, biện pháp phân luồng hiện tại đang mang tính “cưỡng chế” trong khi ý kiến của địa phươngchưa thực sự được tiếp thu, lắng nghe.
Do vậy, Công an tỉnh Quảng Trị đề xuất phương án phân luồng các phương tiện nhỏ đểlưu thông trên Quốc lộ 1, thay vì đưa xe khách và xe ô tô từ 6 trục trở lên sử dụng tuyến Quốc lộ 1, sẽ phù hợp với tổ chức giao thông có làn xe hỗn hợp; hoặc phân luồng, điều tiết giao thông đối với các xe cỡ lớn lưu thông theo khung giờ trên cao tốc...
Cũng tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cuờng nhận định, do cao tốc Cam Lộ - La Sơn mới được đầu tư phân kỳ 2 làn, nên phương án khai thác, tổ chức giao thông hiện chưa thực sự bảo đảm.
Trước mắt, việc phân luồng như hiện nay được coi là phương án tối ưu nhất, còn về lâu dài thì Cục tiếp tục kiến nghị để sớm đầu tư mở rộng dự án thành 4 làn xe hoàn chỉnh. Trên cơ sở ý kiến của địa phương, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp thu và nghiên cứu nhằm đưa ra giải pháp điều chỉnh hợp lý hơn trong thời gian tới.