Lạm dụng giáo trình nước ngoài
Thời gian qua, báo chí đăng tải rất nhiều về việc tại sao dạy và học ngoại ngữ ở nước ta chưa thành công, tại sao học sinh không giao tiếp được bằng tiếng Anh cùng hàng loạt vấn đề có liên quan. Có tới 80% học sinh không đủ can đảm, không tự tin để thi môn ngoại ngữ, mặc dù những học sinh này ít nhất đã trải qua 7 năm đèn sách với ngoại ngữ. Ngoài yếu tố môi trường học tập, thầy và trò, thì giáo trình, SGK cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng.
Đối với môn tiếng Anh, thực tế đã tồn tại nhiều bộ SGK được giảng dạy trong các nhà trường nhưng chưa được quyết định chính thức. Theo Gs Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện nay chúng ta chưa có một bộ SGK tiếng Anh thống nhất, đặc biệt là ở cấp tiểu học. Địa bàn nào cũng có dăm bảy bộ giáo trình tràn vào các cơ sở đào tạo, chủ yếu là những giáo trình gốc của nước ngoài, của các nhà xuất bản Anh, Mỹ. Tuy nhiên, sau nhiều năm cho con cái học giáo trình chính thống của nước ngoài thì nhiều phụ huynh nhận thấy con mình vẫn không nói được tiếng Anh như mong muốn? Nguyên nhân là những giáo trình đó đáp ứng tham vọng của phụ huynh chứ không đáp ứng năng lực cảm thụ ngôn ngữ của học sinh.
![]() Nguồn: blogspot.com |
Cái mà chúng ta thiếu đó chính là một chuẩn đánh giá giáo trình và cũng chính là chuẩn xây dựng, biên soạn giáo trình. Nói đúng hơn chuẩn thì có nhưng chuẩn chính thức được nhà nước Việt Nam công nhận thì chưa có. Do đó, cần có Bộ tiêu chí đánh giá SGK ngoại ngữ để định hướng cho người viết và thẩm định SGK. Bộ tiêu chí này sẽ quy định SGK phải tạo điều kiện cho việc đổi mới cách dạy - học và kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu mới.
Cần Bộ tiêu chí đánh giá
Bộ tiêu chí được giới thiệu tại Hội thảo bao gồm 59 tiêu chí chung và 6 tiêu chí bổ trợ cho việc chọn SGK tiểu học. Tiêu chí bổ trợ bao gồm: phông chữ và khổ sách phù hợp với học sinh, chủ đề và nội dung gần gũi với trẻ và mang tính giáo dục cao về hành vi, kỹ năng sống...
Đây được cho là một công cụ cần thiết để bảo đảm dạy ngoại ngữ đáp ứng được yêu cầu thực tế. Bảng tiêu chí đánh giá, thẩm định SGK ngoại ngữ giúp lựa chọn được một bộ sách thích hợp với đối tượng học. Nó là công cụ giúp cho việc tăng cường chất lượng dạy học. Những tiêu chí đánh giá này dựa trên một loạt những tiêu chí phổ quát nhưng vẫn dựa trên những kết quả khảo sát điều tra và nghiên cứu của lĩnh vực phương pháp giảng dạy cũng như viết SGK trên thế giới. Nó không những giúp lựa chọn được một bộ sách thích hợp trước mắt mà còn tạo điều kiện cải biên cho phù hợp với từng thời kỳ và từng đối tượng khác nhau.
Gs.Ts Hoàng Văn Vân cho rằng, khi xây dựng một bộ tiêu chí SGK tiếng Anh thì cần lưu ý vai trò môn tiếng Anh là một môn ngoại ngữ chứ không phải là ngôn ngữ thứ 2 sau tiếng mẹ đẻ. Vì thế các tiêu chí đặt ra là để chọn được những bộ sách thỏa mãn các yêu cầu như tính dân tộc, phù hợp với túi tiền của phụ huynh.
Còn theo bà Phạm Thị Thuận, chuyên viên Sở GD - ĐT Sơn La, dạy ngoại ngữ không phải chỉ một kỹ năng mà còn phải cần nhiều kỹ năng trong giờ dạy. Bộ tiêu chí còn thiếu tiêu chí đánh giá năng lực của người học, rồi yêu cầu tích hợp các kỹ năng giảng dạy của người dạy. Trong khi đó lại áp đặt việc dạy học theo hướng như thế nào, đây là điểm không hợp lý vì còn tùy thuộc vào giáo dục và mức độ tiếp nhận của học sinh.
Một số ý kiến khác đề nghị phải có điều tra, nghiên cứu đánh giá về sách dạy ngoại ngữ tại Việt Nam hiện nay làm cơ sở để xây dựng Bộ tiêu chí. Nên cụ thể hơn theo từng lớp, từng cấp. Mặt khác, sách phải có tính liên tục và tính kế tiếp qua các lớp, phát triển từ dễ đến khó. Những yếu tố như việc xác định đối tượng người học ở từng cấp học, giá SGK, giáo trình... cũng cần thiết và nên đưa vào Bộ tiêu chí vì đây là những yếu tố người sử dụng quan tâm.