![]() | |
Trang phục người Lô Lô | Nguồn: manghoidap.vn |
Rập khuôn cách ăn mặc của người Kinh
Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sự giao thoa văn hóa đã ảnh hưởng và làm thay đổi nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ của đồng bào dân tộc thiểu số. Trang phục của họ đang có sự biến đổi nhanh chóng. Nhiều tộc người không còn giữ được bản sắc văn hóa của trang phục truyền thống, nhất là những tộc người có số dân ít, sinh sống tại địa bàn có sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa cao… Đặc biệt, các dân tộc thiểu số đang tiếp thu rập khuôn, một chiều cách ăn mặc của người Kinh, nhất là ở các vùng đô thị, làm nảy sinh tâm lý tự ti, thậm chí coi thường giá trị trang phục dân tộc mình. Đồng bào dân tộc, kể cả một số người làm công tác văn hóa, chưa nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại của trang phục truyền thống, khiến một bộ phận, nhất là lớp trẻ chưa có ý thức coi trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa trong trang phục truyền thống dân tộc.
Từ những chuyến điền dã ở Tây Bắc, Việt Bắc và Đông Bắc, PGs, Ts Đoàn Thị Tình cho biết, ở vùng sâu, vùng xa, người cao tuổi vẫn giữ được những nét cổ truyền trên trang phục nhưng hầu hết trang phục đã hư rách, phai màu do được truyền lại từ nhiều đời. Còn tại các bản, làng gần thị trấn, thành phố, khó tìm được những bộ áo váy nguyên gốc, cũng như chủ nhân am hiểu giá trị nghệ thuật của nó. “Để bảo tồn, trước hết cần nâng cao nhận thức về cái đẹp, tự hào về trang phục truyền thống cho đồng bào các dân tộc, nhất là giới trẻ. Các làng, bản có thể xây dựng quy ước về trang phục truyền thống trong các ngày lễ tết… Song song với đó, khuyến khích khôi phục, phát triển nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm và mỹ nghệ trang sức” - Ts Đoàn Thị Tình nói.
Cách tân để bảo tồn?
Trang phục người Mông Hoa
Theo nhà nghiên cứu văn hóa, Gs Hoàng Nam, trang phục truyền thống của các dân tộc có bảo tồn, phát huy được hay không là nhờ sự phát hiện ra nét đặc trưng của từng bộ trang phục gắn với từng dân tộc. Nhưng để làm được điều này cần có thời gian. Giải pháp trước mắt là ghi hình lưu lại các trang phục ở cả trạng thái tĩnh và động, tức là phải gắn với các hoạt động của đời sống lao động, sinh hoạt như: lên nương rẫy, ngoài đồng ruộng, trong các lễ hội, nghi lễ tâm linh… Bên cạnh đó, khuyến khích đồng bào mặc trang phục dân tộc mình trong các dịp lễ tết, tổ chức thi cách tân trang phục ở cấp tỉnh nhằm thu hút trí tuệ, sáng tạo của những người tâm huyết với văn hóa dân tộc.
Đồng tình với việc biến đổi, cách tân trang phục truyền thống, một số ý kiến cũng cho rằng, sự thay đổi của điều kiện kinh tế - xã hội, thị hiếu thẩm mỹ của đồng bào các dân tộc, cùng những yêu cầu của công cuộc đổi mới đòi hỏi trang phục các dân tộc cũng phải có sự biến đổi, cách tân, vươn tới tính hiện đại, tiện dụng… Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VH, TT và DL) Hoàng Đức Hậu khẳng định, trang phục truyền thống cần phát triển phù hợp với bối cảnh mới. Tuy nhiên, cần nhận thức đúng đắn về tính hiện đại, cách tân trong trang phục các dân tộc thiểu số, nếu không mỗi dân tộc sẽ đánh mất bản sắc văn hóa của mình. Việc bảo tồn và phát triển phải luôn gắn bó mật thiết, hỗ trợ cho nhau, nhằm đưa trang phục các dân tộc trở về với đời sống đương đại chứ không phải biến nó thành sự phô diễn hình thức trong khi người mặc thiếu hụt tinh thần, ý thức đối với bản sắc văn hóa dân tộc.
Về vấn đề này Ts Đoàn Thị Tình góp ý, việc cách tân phải phù hợp để trang phục truyền thống có thể mặc hàng ngày, người mặc có thể tham gia công tác xã hội hoặc đến công sở, trường học... Các nhà thiết kế có thể ứng dụng chất liệu, hoa văn thổ cẩm truyền thống vào trang phục hiện đại. “Hiện trong chương trình đào tạo của các khoa thiết kế thời trang đều có phần nghiên cứu sáng tác, lấy ý tưởng từ trang phục truyền thống và đồ trang sức của các dân tộc. Nhiều bộ sưu tập đã kết hợp giữa truyền thống và hiện đại cả về phom dáng lẫn chất liệu. Tuy nhiên, giá thành sản phẩm còn cao, cần có chính sách hỗ trợ để sản phẩm đến được với người tiêu dùng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số”.
Trang phục là một sản phẩm văn hóa, thể hiện thẩm mỹ của dân tộc và thời đại. Việc cách tân trang phục truyền thống là một quá trình lâu dài, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu, thiết kế và người sản xuất nguyên liệu truyền thống để có thể biến đổi nhưng vẫn mang tính dân tộc.