Ca phẫu thuật kéo dài 15 tiếng
BS. Hoàng Văn Hồng - Phụ trách Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: đây là một ca nặng với tổn thương rất phức tạp. Mạch máu, tĩnh mạch, động mạch và thần kinh đều bị dập, phần chi thể không thể bảo tồn và tái tạo vì dính nhiều đất cát và có nguy cơ nhiễm trùng. Bệnh nhân đến viện đã qua giờ vàng (trước 6 giờ), nếu đến sớm thì tiên lượng có thể tốt hơn.
Trước tình huống khẩn cấp, ê kíp phẫu thuật đã tập trung xử trí bằng việc lập tức huy động tất cả các nguồn lực, máy móc, thiết bị và nhân lực trong đó chủ chốt là Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao để bảo tồn phần chi thể của người bệnh.
Đáng tiếc, phần chi thể không thể bảo tồn và tái tạo vì lý do dính nhiều đất cát và có nguy cơ nhiễm trùng.
Với kỹ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ và cực kì chi tiết, các bác sĩ đã chuyển ngón tay giữa thay thế cho ngón tay cái của người bệnh, bởi ngón cái giữ chức năng rất quan trọng trong bàn tay, việc nỗ lực bảo tồn và tái tạo có thể giúp cho tương lai của người bệnh sẽ không phải gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt cũng như trong cuộc sống. Ca phẫu thuật đã kéo dài 15 tiếng.
Một ngày sau phẫu thuật, hiện tại tình trạng của người bệnh đã ổn định. Bệnh nhân chia sẻ: "Tôi thấy sức khỏe và tâm lý đã ổn định, vết thương cũng đỡ đau nhiều. Hôm ấy tôi đang đi làm, thấy có viên sỏi kẹt trong máy đảo vữa, tôi dùng tay định lấy viên sỏi ra thì bị máy cuốn bàn tay vào và dập nát".
Bác sĩ khuyến cáo
Qua ca bệnh này, BS. Hoàng Văn Hồng - Phụ trách Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội khuyến cáo: Phần chi thể đứt rời cần được rửa cẩn thận dưới vòi nước sạch hoặc nước muối sinh lý, lấy gạc sạch thấm khô. Bọc vào gạc ẩm, cho vào túi nilon buộc lại rồi cho vào túi nước đá.
Bọc chi thể bằng túi nilon để tránh chi thể tiếp xúc trực tiếp với nước đá dẫn đến bị bỏng lạnh. Sau đó, di chuyển bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để xử lí kịp thời.
Những tai nạn và sự cố trong cuộc sống là điều không thể tránh khỏi. Thay vì hoang mang và lo sợ, người dân cần trang bị những kỹ năng cần thiết để dễ dàng vượt qua tình huống nguy hiểm, tăng khả năng chữa lành các vết thương nặng.