Hội nghị do Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức nhằm giúp các đại biểu dân cử áp dụng kiến thức và kỹ năng phân tích chính sách với các quy định liên quan đến thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư; một số nội dung liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất. Đồng thời, cũng là diễn đàn để các đại biểu thảo luận, thực hành và nêu các ý kiến xoay quanh các nội dung liên quan.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên khẳng định, đất đai là không gian sinh tồn của dân tộc, là tài nguyên hữu hạn, không tự sinh sôi nhưng là nguồn lực vô cùng quan trọng để phát triển đất nước, là tư liệu sản xuất đặc biệt, có ảnh hưởng rất lớn, tác động trực tiếp đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 đã được xem xét, cho ý kiến lần thứ nhất tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV vào tháng 11.2022. Tiếp đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được lấy ý kiến Nhân dân từ ngày 3.1 đến ngày 15.3 theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thiện dự thảo; tạo sự đồng thuận, thống nhất của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai.
"Đến nay, đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến Nhân dân tham gia. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục được ra thảo luận tại Kỳ họp thứ Năm và dự kiến thông qua vào Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV", Phó trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết. Đồng thời, khẳng định: việc sửa đổi Luật Đất đai đòi hỏi phải được xem xét, thảo luận thấu đáo, kỹ lưỡng, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hường xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước giai đoạn mới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định, kết quả cuối cùng của quá trình xây dựng, thông qua Luật Đất đai là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức, cơ quan hữu quan; đánh giá năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhắc lại điều này, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, Ban Công tác đại biểu tổ chức Hội nghị “Kỹ năng phân tích chính sách đối với các quy định liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư”.
Theo kế hoạch, các chuyên đề được trình bày tại hội nghị gồm: tổng quan các vấn đề liên quan đến thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; kỹ năng phân tích chính sách đối với các quy định liên quan đến giá đất; kỹ năng phân tích chính sách đối với các quy định liên quan đến thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; kỹ năng phân tích chính sách đối với các quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật, chấm dứt việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật, tự nguyện trả lại đất, do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
Để hội nghị diễn ra thành công, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị, các đại biểu tập trung theo dõi chương trình và tích cực chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, của địa phương về phân tích chính sách đối với các quy định liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.