Theo Bộ trưởng, do đối tượng này đang quản lý một khối lượng tài sản và vốn Nhà nước rất lớn. Quan trọng hơn là đối tượng này đang cần một cơ chế linh hoạt hơn, trao nhiều quyền, quyền tự quyết nhiều hơn cho DNNN và thậm chí cả đơn vị sự nghiệp công lập.
"Nếu thiết kế như dự án đầu tư công thì DNNN không thể theo kịp doanh nghiệp ngoài quốc doanh; hay đơn vị sự nghiệp công lập bố trí vốn cũng rất khó khăn" Bộ trưởng phát biểu.
Lấy ví dụ khi một đơn vị ngoài nhà nước, cổ phần hay tư nhân mua sắm trang thiết bị phục vụ đổi mới công nghệ, họ quyết định rất nhanh và chỉ trong một thời gian ngắn đã có thể áp dụng nhằm tăng hiệu quả, tăng năng suất lao động.
Trong khi đó, nếu theo quy trình của Luật Đấu thầu, tức là vốn của doanh nghiệp bị coi là vốn của nhà nước thì phải trình qua rất nhiều khâu, nhiều tầng nấc… và có khi kéo dài cả năm trời mới mua sắm được. Như vậy, về mặt công nghệ, DNNN luôn luôn có nguy cơ lạc hậu.
Chúng tôi luôn khẳng định luôn ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Nếu chúng ta ràng buộc thì DNNN không thể thể hiện được vai trò chủ đạo, thậm chí gặp khó khăn trong cuộc đua với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, cổ phần hay tư nhân.