Chưa bảo đảm thời gian cho cán bộ công đoàn
Những quy định về bảo đảm điều kiện cho hoạt động công đoàn, trong đó có bảo đảm thời gian cho cán bộ công đoàn không chuyên trách theo Luật Công đoàn 2012 đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ công đoàn thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn. Đặc biệt là trong thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2019 (Điều 176) quy định về bảo đảm thời gian cho thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đã có sự thay đổi. Theo đó, “thời gian tối thiểu mà người sử dụng lao động dành cho toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện trên cơ sở số lượng thành viên của tổ chức” sẽ do Chính phủ quy định. Vì vậy, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), quy định về bảo đảm thời gian cho cán bộ công đoàn không chuyên trách vừa phải tuân theo cách tiếp cận mới của Bộ luật Lao động 2019, song cũng phải bảo đảm cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội được quy định tại Điều 10 Hiến pháp 2013. Theo đó, bên cạnh nhiệm vụ đại diện, chăm lo và bảo vệ người lao động, công đoàn cơ sở còn thực hiện chức năng của một tổ chức chính trị - xã hội với các nhiệm vụ đã được Hiến pháp quy định.
Trên thực tế, rất nhiều đơn vị sử dụng lao động, trong đó có cả cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập không thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng quy định về bảo đảm thời gian cho cán bộ công đoàn để thực hiện nhiệm vụ công đoàn nhưng không bị xử lý vi phạm.
Bổ sung chủ thể có trách nhiệm
Tại hội nghị TXCT của các Đoàn ĐBQH mới đây, nhiều ý kiến cũng đề cập bất cập trong bảo đảm thời gian cho cán bộ công đoàn. Điển hình, tại hội nghị góp ý vào dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) do Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng tổ chức, cử tri bày tỏ thống nhất với quy định tổng thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ công đoàn không chuyên trách được xác định trên cơ sở tương ứng với số lượng đoàn viên công đoàn như Khoản 2 Điều 27 dự thảo luật. Đồng thời, đề nghị bổ sung chế tài phù hợp để bảo đảm điều kiện làm việc của cán bộ công đoàn không chuyên trách trong thực thi pháp luật.
Trong đó, cử tri Nguyễn Hoàng Thanh (Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động thành phố Bảo Lộc) cho rằng, Điều 24 Luật Công đoàn năm 2012 quy định về bảo đảm thời gian làm việc của cán bộ công đoàn, nhưng chưa có quy định cụ thể về chế tài, nên trong thực tế thời gian làm việc của cán bộ công đoàn không chuyên trách chưa được bảo đảm. Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung 1 khoản trong Điều 27, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Cụ thể: “Trường hợp đơn vị sử dụng lao động không bố trí được thời gian cho cán bộ công đoàn không chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ công đoàn theo các điểm a, b, c, d và e Khoản 2 điều này thì phải trả tiền cho cán bộ công đoàn bằng với số tiền làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật Lao động”.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đức Trọng Lưu Văn Lợi đề nghị bổ sung chủ thể có trách nhiệm trong bảo đảm thời gian làm nhiệm vụ công đoàn của cán bộ công đoàn; bổ sung việc phân chia thời gian cụ thể cho mỗi vị trí cán bộ công đoàn, thẩm quyền phân chia do Ban Chấp hành công đoàn tại đơn vị đó quyết định và thông báo bằng văn bản cho đơn vị sử dụng lao động.