Bộ Giao thông Vận tải vừa có Văn bản số 3512/BGTVT-KHCN&MT gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long trả lời kiến nghị cử tri về việc quy định tàu du lịch phải gắn thiết bị định vị.
Cử tri cho rằng, kinh tế của các hộ kinh doanh còn thấp, bấp bênh, không bảo đảm kinh phí để đầu tư thiết bị này; do đó kiến nghị cần xem xét bỏ quy định tàu du lịch phải gắn thiết bị định vị hoặc có chính sách hỗ trợ cho các hộ kinh doanh được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp để đầu tư thiết bị.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc lắp đặt thiết bị định vị trên tàu du lịch là “vô cùng cần thiết”. Bởi lẽ, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển vận tải thủy nội địa. Đây là phương thức vận tải hàng hóa có thị phần đứng thứ hai trong các ngành vận tải. Tuy nhiên, nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy rất cao, do đó cần quản lý và cung cấp, cập nhật thông tin an toàn thường xuyên về phương tiện thủy nội địa, thuyền viên người lái trong quá trình khai thác vận tải.
Việc bắt buộc lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động AIS (đã tích hợp tính năng định vị vệ tinh) trên các phương tiện thủy nội địa là nền tảng để tăng cường an toàn giao thông thuỷ nội địa; tăng cường khả năng tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ hàng hải; là nền tảng để thực hiện hệ thống thông tin đường thủy (kết hợp hải đồ điện tử, thông tin dẫn đường, thông tin dịch vụ...), Bộ Giao thông Vận tải nêu.
Theo quy định về lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh (GPS) cho các tàu du lịch chỉ áp dụng đối với tàu có động cơ, cấp VR-SB (có chiều dài dưới 30m và các tàu khác chạy chuyên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo với khoảng cách giữa hai đầu tuyến hoặc cách bờ không quá 15km, căn cứ vào tình hình cụ thể về điều kiện thông tin liên lạc và điều kiện ứng cứu hai đầu tuyến thì có thể được cơ quan đăng kiểm xem xét miễn trang bị).
Đối với tàu khách chở trên 20 khách phải lắp thiết bị nhận dạng tự động AIS (được tích hợp thiết bị thu GPS, mục đích phục vụ cho công tác quản lý và an toàn hàng hải.
Dù là quy định bắt buộc song Bộ Giao thông Vận tải xác nhận, trên thực tế, đã có những trường hợp cụ thể được miễn trang bị thiết bị định vị và thiết bị AIS.
Đối với đề xuất có chính sách hỗ trợ cho các hộ kinh doanh được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp để đầu tư đóng mới tàu du lịch nói chung và trang bị thiết bị định vị trên tàu du lịch nói riêng, Bộ Giao thông Vận tải đồng tình.
Tuy nhiên, theo cơ quan này, chi phí để lắp đặt thiết bị định vị trên tàu du lịch là nhỏ (giá mỗi bộ thiết bị định vị, nhận dạng tự động dao động trong khoảng 8 - 30 triệu đồng/thiết bị) so với việc đầu tư đóng mới một con tàu.
Mặt khác, theo quy định của pháp luật, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng và khách hàng được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên, phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác có liên quan.
Do đó, Bộ đề nghị địa phương cần có đánh giá về thực trạng, khó khăn của các hộ kinh doanh, sự cần thiết thực hiện chính sách hỗ trợ và khả năng tiềm lực hỗ trợ của Nhà nước để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong năm 2023, vận chuyển hành khách bằng đường hàng hải và đường thủy nội địa đạt 4.679 triệu lượt khách, tăng 12,3%; luân chuyển đạt 246,8 triệu hành khách.km tăng 24,2% so với 2022. Trong đó, vận chuyển hành khách bằng đường biển 7,3 triệu hành khách (tăng 21%), đường thủy 318 triệu hành khách (tăng 21,1%).
Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm nay, luân chuyển hành khách bằng đường thủy nội địa và hàng hải ước đạt 45 triệu hành khách.km, tăng 11,8% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, vận chuyển hành khách đường thủy tăng 6,4%, đường biển tăng 10,2%.