Theo đó, Sở đã thông tin, truyền thông, phổ biến sâu rộng đến các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức và nhân dân về vị trí, vai trò, nội dung của xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại các xã đăng ký về đích nông thôn mới, hướng đến nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn.
Với mong muốn mọi cơ quan, địa phương nhận thức rõ, tiếp cận pháp luật là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Sở Tư pháp cũng thường xuyên tổ chức hội nghị tập huấn và thảo luận đánh giá tình hình triển khai công tác chuẩn tiếp cận pháp luật.
Sở Tư pháp đã mời tất cả các cơ quan có liên quan, địa phương và bộ phận phụ trách nông thôn mới cấp huyện cùng lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn… trên toàn tỉnh tham gia. Từ đó, tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, đặc biệt là các địa phương trong xây dựng xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Để thực hiện có hiệu quả quy định về cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, theo Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; từ đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở, thúc đẩy, cải thiện, nâng cao chất lượng, đời sống tinh thần và đời sống pháp lý của người dân.
Do đó, các cơ quan, đơn vị địa phương cần thực hiện nghiêm, đúng quy định về quy trình đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đặc biệt, tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm tham mưu cho UBND cùng cấp trong công tác chỉ đạo, xây dựng và đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật theo thẩm quyền...
Theo Báo cáo kết quả thực hiện việc đánh giá, công nhận, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 của Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận; số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh là 118/124, đạt tỷ lệ 95,1%.