Tại Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Bình Dương Khoá X, UBND tỉnh Bình Dương đã có tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, Nghị quyết số 49/NQ-HĐND ngày 10.12.2021 đã được HĐND tỉnh thông qua về việc cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13. Việc cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13 sẽ tiếp tục tạo ra “bộ khung kỹ thuật” để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, nhằm đáp ứng 2 mục tiêu lớn là giải toả áp lực giao thông trên tuyến, chuẩn bị cho kế hoạch phát triển đô thị về lâu dài bằng giải pháp nâng tầng, định hình trục giao thông huyết mạch.
Tiếp tục thu hút đầu tư cho giai đoạn phát triển mới góp phần xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, một trong những đô thị phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức lan toả lớn, có tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và vùng xung quanh.
Quy mô và địa điểm phần bổ sung sẽ được cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13 từ cổng chào Vĩnh Phú, TP. Thuận An (Km1+315) đến điểm giao với đường Lê Hồng Phong, TP. Thủ Dầu Một (Km15+315), mở rộng về bên phải 2 làn xe (sau khi mở rộng là 8 làn), đầu tư vỉa hè, cây xanh thoát nước đồng bộ; đầu tư cầu vượt qua các giao lộ ngã tư Bình Hoà - Hữu Nghị với quy mô 4 làn xe, các nút giao khác nghiên cứu mở rộng để tăng khả năng thông hành. Đầu tư hệ thống thoát nước dọc kết hợp chiếu sáng hai bên đường đoạn từ Bến Cát đến Bàu Bàng (cầu Tham Rớt).
Thời gian thực hiện phần bổ sung trong giai đoạn từ 2021-2023 (có thể thay đổi theo tiến độ của dự án giải phóng mặt bằng); dự kiến nhu cầu sử dụng đất khoảng 19,4ha, loại hợp đồng dự án PPP: xây dựng – kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến phần bổ sung là 1.367 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng được thực hiện ở dự án sử dụng ngân sách tỉnh, không tính vào tổng mức đầu tư. Trong đó, cơ cấu nguồn vốn đầu tư bổ sung là 20% vốn doanh nghiệp và 80% vốn vay ngân hàng, không có vốn nhà nước trong dự án.
Đến nay, UBND tỉnh Bình Dương điều chỉnh thời gian thực hiện các dự án giải phóng mặt bằng là từ năm 2021-2024; thời gian thực hiện dự án thi công xây lắp phần bổ sung là từ 2024-2026.
Điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án (bao gồm 2 dự án BOT đã thực hiện và phần vốn nhà nước đã đầu tư tại các dự án giải phòng mặt bằng) từ 1.367 tỷ đồng lên hơn 12.463 tỷ đồng. Trong đó, phần đầu tư bổ sung 1.478 tỷ đồng.
Phần vốn tham gia của Nhà nước là hơn 4.091 tỷ đồng (chiếm 33% tổng mức đầu tư điều chỉnh), bao gồm 3 dự án giải phóng mặt bằng đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt.
Vốn nhà đầu tư và vốn huy động là 8.372 tỷ đồng (chiếm 67% tổng mức đầu tư điều chỉnh). Cụ thể, theo cách tính quy đổi của nhà đầu tư đề xuất: đối với 2 dự án BOT nhà đầu tư đã thực hiện được quy đổi về năm 2024 là 6.894 tỷ đồng (áp dụng hệ số chiết khấu quy đổi 10%); đối với phần đầu tư bổ sung điều chỉnh từ 1.367 tỷ đồng lên 1.478 tỷ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư là 30% (hơn 443 tỷ đồng) và vốn vay ngân hàng là 70% (hơn 1.034 tỷ đồng).
Sau khi xem xét, thảo luận, HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua tờ trình của UBND tỉnh và nhiều nghị quyết khác. HĐND tỉnh Bình Dương đề nghị UBND tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết được thông qua. Cùng với đó, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các Nghị quyết đến cử tri và Nhân dân; giám sát việc triển khai thực hiện để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.