Cụ thể hóa mục tiêu
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 về công tác dân số trong tình hình mới với những mục tiêu và giải pháp cụ thể đã chỉ ra đúng và trúng phương hướng giải quyết những vấn đề dân số. Sau 6 năm thực hiện, công tác dân số ở nước ta đã có bước chuyển mạnh mẽ. Các chương trình đề án trọng tâm đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và được ngành dân số triển khai thực hiện.
Cụ thể, chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030; Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030; Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030; Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030…
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), để cụ thể các mục tiêu đề ra, ngành dân số đã triển khai đồng bộ các hoạt động trên các lĩnh vực quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số, phù hợp yêu cầu chuyển hướng công tác dân số trong tình hình mới. Cụ thể, ngành dân số đã tìm các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số có hiệu quả nhất, phù hợp từng đối tượng cụ thể, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao, tập trung cho nhóm đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên và thanh niên.
Bên cạnh công tác truyền thông, ngành dân số đã chú trọng mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Nhờ đó, hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung và chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình ở các địa phương đã có những bước chuyển biến đáng kể.
Triểnkhai chất lượng, hiệu quả
Tuy vậy, từ kết quả triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW đã cho thấy, công tác dân số vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn như tổ chức bộ máy về dân số của nhiều địa phương thiếu ổn định, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác dân số ở cấp cơ sở còn thấp; nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp...
Đơn cử, đạt được những kết quả tích cực trong công tác dân số, song tỉnh Vĩnh Phúc còn gặp những khó khăn, hạn chế như: công tác tuyên truyền, vận động về công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình kết quả còn hạn chế, nhất là ở những vùng có mức sinh cao, vùng đông dân, vùng sâu, vùng xa; kết quả giảm sinh chưa vững chắc; tỷ lệ sinh con thứ 3 có chiều hướng gia tăng; tỷ số giới tính khi sinh ở Vĩnh Phúc đang ở mức cao.
Chưa kể, Kết quả thực hiện công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình chưa đồng đều giữa các địa phương khác nhau. Mức sinh và đặc biệt là tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong một vài năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Tỷ lệ áp dụng tránh thai ở một số biện pháp còn rất thấp như triệt sản, thuốc cấy tránh thai, hàng năm đạt dưới 50%.
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An cũng cho biết, hiện mức sinh của tỉnh còn cao, chất lượng dân số tuy đã được cải thiện song còn nhiều hạn chế; mạng lưới cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng chưa phát triển...
Còn tại tỉnh Đắk Nông, công tác dân số của tỉnh mặc dù đã có sự quan tâm, song do địa hình và điều kiện dân cư vùng sâu vùng xa, khó khăn, đặc biệt là tình trạng di dân tự do nên trong vấn đề quản lý, tuyên truyền, và nâng cao nhận thức cho người dân về công tác dân số còn nhiều hạn chế.
Từ thực tế này, để biến những mục tiêu của nghị quyết thành hành động, để những người làm công tác dân số, người dân hiểu và nhận thức được trọng tâm chính sách dân số trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh thông tin và truyền thông để lãnh đạo các cấp quán triệt hơn nữa nghị quyết.
Các địa phương cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để triển khai công tác dân số có chất lượng, hiệu quả; đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức, nội dung truyền thông, giáo dục chuyển mạnh sang dân số và phát triển, bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tích cực rà soát, nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách về dân số-kế hoạch hoá hoá gia đình; nâng cao hiệu lực pháp lý trong quản lý và tổ chức thực hiện các nội dung của công tác dân số.
Đồng thời, kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu dân số; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; xã hội hóa, phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế, khuyến khích các cơ sở ngoài công lập tham gia cung cấp dịch vụ dân số-kế hoạch hoá gia đình, sức khỏe sinh sản…