Với số lượng đối tượng phục vụ lớn nhất so với các bộ, ngành khác, việc kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu về dân cư của ngành BHXH Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm việc xác thực thông tin được kịp thời, nhanh gọn và chính xác trong giải quyết các thủ tục hành chính và quản lý theo dõi sự biến động của người tham gia, người thụ hưởng các chế độ chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Thời gian qua, để thực hiện thành công Đề án 06, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Trên tinh thần đó, ngành BHXH Việt Nam đã kịp thời ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg.
Cùng với đó, Ban cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 362-NQ/BCSĐ ngày 12.5.2023 về tăng cường thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đồng thời, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố kiện toàn, thành lập Tổ công tác, xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh cho biết, trong 25 thủ tục thiết yếu liên quan tới người dân, ngành BHXH Việt Nam được giao 4 nhiệm vụ quan trọng và rất có ý nghĩa trong bảo đảm thực hiện an sinh xã hội. Đó là Liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí; tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; phối hợp cung cấp thông tin về quá trình tham gia BHXH cho ngành lao động để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Tính đến thời điểm hiện tại, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng, kết nối về quy trình kỹ thuật để thực hiện cả 4 nhiệm vụ. Trong đó, 2 nhiệm vụ đã hoàn thành theo đúng tiến độ trong năm 2022. Đối với 2 nhóm thủ tục hành chính là Liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí luôn đáp ứng, theo sát tiến độ triển khai của Văn phòng Chính phủ. Đến thời điểm hiện tại đã sẵn sàng cho việc triển khai trên toàn quốc.
“Để có được kết quả này, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp tích cực với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND 2 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Nam nghiên cứu xây dựng quy trình, cung cấp 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông này. Qua 8 tháng triển khai thí điểm tại Hà Nội và Hà Nam, cơ quan BHXH đã tiếp nhận và giải quyết hàng nghìn hồ sơ cấp BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và trợ cấp mai táng cho thân nhân người lao động” - Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh chia sẻ.
Theo chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành cần chủ động hoàn thiện Hệ thống thông tin của bộ, cơ quan để đáp ứng yêu cầu triển khai liên thông điện tử 2 nhóm thủ tục hành chính; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý trước khi triển khai trên toàn quốc.
BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm triển khai thực hiện 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông trên toàn quốc bảo đảm thống nhất theo quy định, đạt hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh yêu cầu, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam cần hướng dẫn chi tiết, cụ thể quy trình việc thực hiện 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông. Chỉ dẫn những kinh nghiệm, giải pháp đã thực hiện trong trong quá trình thực hiện thí điểm tại Hà Nội, Hà Nam để bảo đảm tính khả thi khi triển khai thực hiện trên toàn quốc.
Đại diện Bộ Công an cũng nêu một vài lưu ý trong triển khai 2 thủ tục hành chính liên thông. Đồng thời, đề nghị BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan cần tiếp tục tổ chức tập huấn để công chức, viên chức thực hiện ở các địa phương biết, thuần thục các quy trình để khi triển khai toàn quốc được thông suốt. Bên cạnh đó, các địa phương cần nghiên cứu thành lập các tổ, nhóm để tiếp nhận, hỗ trợ người dân trong quá trình sử dụng.
Kết luận Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh nhấn mạnh, Văn phòng BHXH Việt Nam tổng hợp các tài liệu hướng dẫn về 2 thủ tục hành chính liên thông gửi BHXH các địa phương nghiên cứu, triển khai. BHXH các tỉnh, thành phố tùy vào tình hình thực tế để tiếp tục triển khai tập huấn cho cấp huyện và người làm trực tiếp. BHXH các địa phương cần thành lập các tổ hỗ trợ người dân trong triển khai 2 thủ thủ tục hành chính liên thông; tăng cường trao đổi với các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam để tháo gỡ ngay các vướng mắc. Bên cạnh đó, Tổ hỗ trợ của BHXH Việt Nam cũng cần thành lập nhóm để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu cho các BHXH các tỉnh, thành phố.
“Trong quá trình triển khai, các đơn vị nghiệp vụ, BHXH các địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, quy trình của BHXH Việt Nam, qua đó đáp ứng kịp thời nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao chất lượng phục vụ” - Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh lưu ý.