Tỷ lệ người dân tham gia BHXH, BHYT vẫn còn thấp
Theo BHXH tỉnh Trà Vinh, trong 7 tháng năm 2022, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện gần 86.900 người, đạt trên 14% so với lực lượng lao động; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên 63.000 người, chiếm hơn 10% so lực lượng lao động và có 789.944 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ chỉ đạt 77,55% (giảm 190.530 người so năm 2021), bằng 81,93% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 86,09% chỉ tiêu Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao năm 2022. So sánh với cuối năm 2021, trong 7 tháng của năm 2022, Trà Vinh có tốc độ phát triển người tham gia BHXH tự nguyện giảm gần 16% và tham gia BHYT giảm 19,43%.
Đại diện BHXH tỉnh cũng cho hay, ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp các ngành, đoàn thể, địa phương vận động đoàn viên, hội viên tham gia; rà soát những người bị ảnh hưởng tiếp tục tham gia… Tuy nhiên, tỷ lệ người dân tham gia BHXH, BHYT vẫn còn thấp so với chỉ tiêu nghị quyết giao.
Nguyên nhân giảm số lượng người tham gia BHYT do một số nhóm đối tượng không còn được hưởng chính sách BHXH của Nhà nước; việc phục hồi trở lại tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên dân số gặp nhiều khó khăn do số lượng người chưa tham gia lại tương đối lớn, nhiều người dân dù có điều kiện kinh tế nhưng vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại; do ảnh hưởng dịch Covid-19, năm học 2021 - 2022, học sinh, sinh viên phải học trực tuyến những tháng đầu năm học nên việc thu BHYT gặp nhiều khó khăn; nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm chi phí, lực lượng lao động và tạm dừng hoạt động kéo theo việc làm, thu nhập của công nhân cũng bị đứt gãy; chi phí tham gia BHXH tự nguyện tăng hơn 2 lần so với trước (do chuẩn hộ nghèo đa chiều tăng từ 0,7 triệu đồng/tháng lên 1,5 triệu đồng/tháng) nên 7 tháng năm 2022 đã có 6.685 người dừng tham gia BHXH tự nguyện…
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra chưa toàn diện và hiệu quả; chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp chưa đủ sức răn đe. Chưa kể, vấn đề về nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ sở y tế cũng cần được chú ý để thu hút nhiều người tham gia BHYT.
Tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận chính sách
Sau khi phân tích rõ các nguyên nhân hạn chế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình nhấn mạnh, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quyết tâm cao, nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp phù hợp trong phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Đổi mới hình thức tuyên truyền, phù hợp giúp người dân nhận thức được ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, BHYT.
Để thực hiện đạt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao về tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT trong năm 2022, đại diện BHXH tỉnh Trà Vinh cũng cho hay, trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, nhất là trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Chú trọng các biện pháp tuyên truyền, vận động để thu hút đông đảo mọi đối tượng tham gia.
BHXH tỉnh cũng sẽ chủ động, tích cực hơn trong xây dựng quy chế phối hợp thực hiện với các hội đoàn thể và chính quyền địa phương để xem đó là nhiệm vụ chính trị chung cần nỗ lực thực hiện. Chú trọng đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận các chính sách phát triển và nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ trong việc khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, các sở, ngành liên quan cũng cần tham mưu ban hành chính sách và thực hiện chỉ tiêu nghị quyết theo từng năm về phát triển BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cần có phương án hỗ trợ các đối tượng khi tham gia. Thường xuyên phối hợp tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với các chủ doanh nghiệp, người lao động để kịp thời giải quyết những khó khăn liên quan đến việc thực hiện chính sách.