Tích cực triển khai thanh toán điện tử
Năm 2019, BHXH Việt Nam đã xây dựng kế hoạch thực hiện đẩy mạnh chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, UBND tỉnh An Giang đã có văn bản chỉ đạo thực hiện tuyên truyền, vận động, khuyến khích người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt với mục tiêu đến năm 2020 đạt 40%, năm 2021 đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, mai táng phí, tử tuất… sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.
Để cụ thể hóa, BHXH An Giang đã ban hành Công văn về việc chi trả trợ cấp BHXH qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, đề nghị các đơn vị sử dụng lao động thực hiện kê khai đầy đủ thông tin tài khoản cá nhân của người lao động khi lập hồ sơ hưởng các chế độ BHXH như ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất. Thực hiện kê khai điện tử hồ sơ tham gia BHXH, BHYT, BHTN, cấp sổ BHXH, cấp thẻ BHYT và các chế độ BHXH ngắn hạn trên phần mềm kê khai BHXH do Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp hoặc sử dụng các phần mềm kê khai của các nhà cung cấp dịch vụ I-VAN.
Đến nay, hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn An Giang đã sử dụng giao dịch điện tử đối với các hồ sơ tham gia BHXH, BHYT, BHTN, cấp sổ BHXH, cấp thẻ BHYT và các chế độ BHXH ngắn hạn. Tỷ lệ chi trả các chế độ BHXH: lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua hệ thống ngân hàng chiếm 44% tổng số người chi trả; chi trả chế độ BHXH ngắn hạn: ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe chủ yếu chi qua hệ thống ngân hàng.
Thủ tục cấp lại thẻ BHYT đã được liên thông thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đây là bước tiến nổi bật trong cải cách hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho người tham gia BHYT.
Bảo hiểm xã hội An Giang thực hiện tốt cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân ngày một tốt hơn |
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu…
Những năm qua, BHXH An Giang đã thực hiện nhiều giải pháp thu thập thông tin cá nhân của người tham gia BHYT, lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT để quản lý tập trung trên cơ sở dữ liệu của ngành, nhằm phục vụ quản lý và cấp mã định danh cho mỗi người tham gia, bảo đảm không xảy ra tình trạng trùng số sổ BHXH hoặc trùng mã thẻ BHYT; thu thập số điện thoại của người tham gia với mục đích bảo mật thông tin quá trình đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp trong tra cứu trực tuyến của người tham gia.
Thông qua số điện thoại, người tham gia bảo hiểm được cung cấp các thông tin về thời gian đáo hạn thẻ BHYT, thời gian tham gia và đóng BHXH tự nguyện, thông tin về chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Tiến tới xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về người tham gia BHYT, BHXH nhằm phục vụ cho việc mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHYT ở quy mô lớn, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân; là tiền đề cho việc xây dựng, kết nối liên thông và hoàn thiện hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của ngành BHXH. Đây là nguồn dữ liệu quan trọng được sử dụng trên hệ thống thông tin giám định BHYT để kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT, nâng cao hiệu quả quản lý quỹ BHYT của BHXH Việt Nam; là cơ sở để xây dựng và phát hành thẻ an sinh xã hội cho người dân.
Bảo hiểm xã hội An Giang còn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện các phần mềm nghiệp vụ của ngành; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ. Thời gian thực hiện các thủ tục đã được cắt giảm, nhận được sự hài lòng của tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Dữ liệu bảo hiểm là dữ liệu chứa thông tin BHYT, BHXH, BHTN của công dân. Vì vậy, công dân cần theo dõi các thông tin của mình được Nhà nước quản lý nhằm bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của mình, làm cơ sở để theo dõi, định hướng về y tế, an sinh xã hội của mình hiện tại và tương lai.