Tỷ lệ rác chôn lấp trực tiếp còn cao
Có thể thấy, vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), trực tiếp là việc quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động thu gom, tập kết, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt là vấn đề kinh tế - xã hội - môi trường thiết yếu. Hoạt động này đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của từng hộ gia đình, cá nhân và toàn thể cộng đồng, xã hội.
Theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, tuy công tác quản lý CTRSH thời gian qua đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và từng bước chuyển biến, đạt được những kết quả nhất định, nhưng thực tế, công tác quản lý CTRSH vẫn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập cần được tập trung xem xét, giải quyết.
Hiện nay, khối lượng CTRSH phát sinh ngày càng lớn; tỷ lệ rác thải được chôn lấp trực tiếp còn cao; việc đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển, khu xử lý rác thải tập trung theo quy hoạch tiến độ triển khai còn chậm hoặc không triển khai được. Đa số các điểm tập kết, trạm trung chuyển và phương tiện vận chuyển CTRSH tại các địa phương không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật; vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý; việc xử lý các bãi rác tạm; khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định pháp luật đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực vệ sinh môi trường…
Chỉ cụ thể, ĐBQH Nguyễn Văn An (Thái Bình) nêu rõ, tỷ lệ thu gom chất thải rắn ở khu vực nông thôn đạt 66%, phần lớn bãi chôn lấp không đạt vệ sinh, nhiều địa phương tồn tại các bãi rác tạm và các điểm tập kết rác thải không bảo đảm hợp vệ sinh môi trường. Vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo việc kiểm tra, thanh tra, giải quyết các vấn đề về các bãi rác thải tạm như thế nào? - ĐB Nguyễn Văn An đặt câu hỏi.
Từ thực tế khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, ĐBQH Tráng A Dương (tỉnh Hà Giang) lưu ý, các tỉnh đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay hầu như không chôn lấp mà chỉ đổ vào ở một khu vực nào đó thoáng hoặc không có dân cư. Do đó, đại biểu đề nghị phải có giải pháp triển khai việc thu gom chất thải để chôn lấp đối với các tỉnh.
Khuyến khích xã hội hóa trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Tại Phiên giải trình kể trên, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong thời gian qua, Bộ đã luôn theo dõi sát sao việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nói chung, cũng như công tác quản lý CTRSH nói riêng. Qua đó, Bộ đã phát hiện, yêu cầu đóng cửa, tạm dừng hoạt động của một số địa điểm chôn lấp rác không bảo đảm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khi đó cũng cho rằng, "đây là vấn đề liên quan rất lớn đến xã hội, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt không thể dừng được một ngày. Phải có lộ trình, phải có bài bản, bước đi để thay đổi".
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện hạ tầng phục vụ công tác thu gom, xử lý chất thải rắn… có quy mô, số lượng và công nghệ không bảo đảm, doanh nghiệp rất khó để tham gia đầu tư. Trong trường hợp này, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Nhà nước sẽ có quy hoạch và đứng ra đầu tư. Đồng bào có thể tự phân loại rác thải để có thể tái chế, tái sử dụng. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có những hướng dẫn giúp đồng bào thực hiện theo mô hình tuần hoàn.
Trên thực tế, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đưa ra nhiều chính sách mới về quản lý rác thải sinh hoạt, phù hợp với các nước có trình độ phát triển. Do vậy, tại Luật này cũng đưa ra lộ trình để thực hiện đầy đủ các chính sách mới vào cuộc sống là năm 2025. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của các bộ, ngành khác cũng như của các địa phương là phải triển khai hết sức tích cực để cụ thể hóa các chính sách này thành các quy định, hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chí, các định mức, đơn giá, hình thức để tổ chức huy động sự tham gia của người dân, các doanh nghiệp vào quá trình này.
Bộ cũng đề xuất áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích xã hội hóa trong công tác quản lý CTRSH, đặc biệt là trong việc khuyến khích đầu tư xây dựng và vận hành cơ sở xử lý CTRSH, triển khai áp dụng mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) nhằm bảo đảm tính hiệu quả, ổn định và bền vững của dự án, phát huy và đa dạng hóa nhiều nguồn lực cho xử lý chất thải. Các địa phương cần bố trí quỹ đất cho khu xử lý CTRSH theo quy hoạch, bố trí đủ kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn. Rà soát, xây dựng, hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Không chỉ dừng lại ở ban hành hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn, định mức cho quá trình thực hiện, việc thực hiện ở mỗi địa phương sẽ có đặc thù riêng, nhất là trong thực hiện phân loại rác thải từ nguồn, đòi hỏi xây dựng mô hình thực hiện phù hợp cho từng tỉnh, thành phố. Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, Bộ đã sớm xây dựng thông tư hướng dẫn xác định mô hình cho từng địa phương, “cố gắng nửa đầu năm 2023 sẽ thực hiện và hướng dẫn”. Cùng với đó, Bộ sẽ làm việc với 63 tỉnh, thành phố để phân ra các mô hình khác nhau, tập trung trong hai năm 2023 và 2024 để tổ chức triển khai, bảo đảm năm 2025 là năm Luật Bảo vệ môi trường, đặc biệt là các chính sách mới phải đi vào cuộc sống.
Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý CTRSH, như Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, luôn là vấn đề được đông đảo cử tri, người dân quan tâm. Do vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu các vấn đề tài chính, công nghệ, kinh tế, đầu tư cho xử lý CTRSH. Ngành xử lý rác thải nói chung, rác thải rắn sinh hoạt nói riêng cần được đối xử như một ngành công nghiệp, phải vận hành theo cơ chế thị trường. Cần khẩn trương hoàn thiện các điều kiện bảo đảm để Luật Bảo vệ môi trường được thực thi hiệu quả theo đúng lộ trình đã đề ra.