Cán đích kết nối 1.000 điểm cầu
Với mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn từ các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương và được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới, hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt. Nhờ có hệ thống, nhiều ca bệnh khó đã được các chuyên gia bệnh viện tuyến trên hội chẩn trực tiếp, đưa ra những hướng điều trị đúng và được cứu sống kịp thời mà không phải lên tuyến trên. Những điểm cầu vùng sâu, vùng xa như Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé cũng đã được kết nối.

Theo thống kê, cả nước hiện có 1.400 bệnh viện công lập và 275 bệnh viện ngoài công lập, 30.000 phòng khám đa khoa, 11.500 trạm y tế xã, phường cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh. Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, từ ngày 22.6 đến nay, đã cán đích kết nối Telehealth với 1.000 điểm cầu. Đây là những nỗ lực rất lớn của các cơ sở y tế tuyến trên trong việc hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới.
Trên tinh thần đó, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiến hành tổ chức định kỳ 1 tuần 2 buổi khám, chữa bệnh từ xa vào thứ 3 và thứ 5. Mỗi buổi, sẽ có trung bình từ 8 - 10 bệnh nhân nặng được tham gia hội chẩn trực tuyến. Sau 5 tháng triển khai, Bệnh viện đã tổ chức được 40 buổi hội chẩn Telehealth, 293 ca bệnh được hội chẩn; 162 bệnh viện đề xuất tham gia kết nối. Việc triển khai công nghệ khám, chữa bệnh từ xa Telehealth giúp tuyến dưới nhận được sự tư vấn kỹ thuật ở tuyến trên sâu hơn, nhanh hơn, rộng hơn.
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho hay, bệnh viện hạt nhân làm quyết liệt, tâm huyết nhưng các bệnh viện địa phương không hứng thú mà chỉ làm cho có thì buổi hội chẩn sẽ rất nhàm chán, mất thời gian. Các bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới phải coi mình là đối tác, phải làm việc thực chất, phối hợp để cùng nâng cao vị thế bệnh viện, để người dân tin bệnh viện địa phương hơn.
Nhiều thách thức trong triển khai
Theo các chuyên gia, khám, chữa bệnh từ xa Telehealth là hình thức tương đối mới mẻ; muốn phát triển bền vững khám, chữa bệnh từ xa phải có nền tảng về pháp lý, công nghệ, tài chính.
Chia sẻ tình hình thực tế tại đơn vị, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai TS. Dương Đức Hùng cho biết, Bệnh viện Bạch Mai đang có nhiều đổi mới trong hội chẩn từ xa. Theo đó, từ những trường hợp cụ thể sẽ hệ thống lại thành bài giảng và thông qua đó sẽ chuyển giao kiến thức giảng dạy online cho các đồng nghiệp ở tuyến dưới. Về công nghệ, bệnh viện cũng đã hoàn toàn kết nối rất tốt với hàng trăm cơ sở y tế. Tuy nhiên, mọi giải pháp công nghệ đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn; chỉ ngại con người không chịu thay đổi để thích nghi với công nghệ chứ không lo công nghệ chậm thay đổi.
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ, một trong những vướng mắc hiện nay của triển khai Telehealth là việc chi trả bảo hiểm cho các bác sĩ các tuyến. Thời gian qua, mặc dù đã triển khai hàng trăm ca hội chẩn nhưng bệnh viện chưa có nguồn thu, bảo hiểm y tế chưa có hướng để chi trả. Luật Khám, chữa bệnh chưa sửa đổi, lại chưa có hành lang pháp lý cho việc triển khai ký đơn khám, chữa bệnh từ xa như thế nào. Thí dụ vừa qua, bệnh viện hội chẩn cho một bệnh nhân người Lào ở Bệnh viện 199 tại Đà Nẵng nhưng đơn thuốc cho người bệnh vẫn là bác sĩ của Bệnh viện 199 ký. Khi có vấn đề xảy ra, trách nhiệm thuộc về các bác sĩ của Bệnh viện 199. Như vậy, vai trò bác sĩ của bệnh viện hạt nhân sẽ giảm đi, khi không cùng chịu trách nhiệm. Tới đây, cần phải thay đổi Luật Khám, chữa bệnh trong triển khai chữ ký điện tử khi khám, chữa bệnh từ xa.
Không ít chuyên gia cho rằng, để thực hiện được Telehealth cần nền tảng công nghệ thông tin. Để kết nối được với các tuyến thì vấn đề cơ sở hạ tầng ở bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện cần xem xét, đầu tư đồng bộ. Tùy từng mức độ mà ứng dụng công nghệ khác nhau cho phù hợp vì càng liên quan đến nhiều thiết bị lại càng phức tạp với những kinh phí kèm theo. Ví dụ như khi trực cấp cứu chỉ cần gọi “video call”, bác sĩ trực có thể hướng dẫn trực tiếp giúp tuyến dưới xử lý nhanh nhất, an toàn nhất trong mọi trường hợp. Hoặc cũng có thể sử dụng gọi video qua phần mềm, cao nhất là chuyển kết nối mỗi bệnh nhân ở giường bệnh qua monitor, hiển thị thông số.
Theo ước tính, khi triển khai Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa, xã hội và ngành y tế có thể tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, để "cánh tay thứ 3" triển khai trên diện rộng và phát huy hết hiệu quả vẫn còn nhiều thách thức. Bệnh viện các tuyến phải cùng quyết tâm, phải làm thực chất để Telehealth thực sự là dịch vụ giúp ngành y tế phát triển đồng bộ.