Tận dụng các nền tảng
Trong cuốn Cẩm nang báo chí trực tuyến (The online journalism handbook), GS. Paul Bradshaw, người sáng lập và hướng dẫn chương trình thạc sĩ chuyên ngành Báo chí dữ liệu, báo chí di động và đa nền tảng tại Đại học Birmingham, Vương quốc Anh, đã chỉ ra vai trò của báo chí trong thời đại kết nối mạng.
Bằng cách đặt ra câu hỏi "báo chí để làm gì" trong thời đại mà ai ai cũng có thể trực tiếp xuất bản, thông tin vừa miễn phí, vừa dồi dào, Paul Bradshaw đã đi sâu phân tích giải pháp dành cho người làm báo hiện đại. Đó là cần tận dụng các nền tảng công nghệ mới, để chúng phục vụ hiệu quả nhất cho các thao tác nghề nghiệp.
"Đây là thời của sự sáng tạo và thay đổi vô biên, thời mà các nhà báo trẻ (và nhiều người lớn tuổi hơn) có được cơ hội độc nhất để thử nghiệm những điều mới mẻ, để học hỏi, phát triển nhanh chóng và đổi mới trong một hình thức kể chuyện hoàn toàn mới". Khẳng định như vậy, Paul Bradshaw cho rằng vai trò của nhà báo trong thời đại ngày nay đã có nhiều thay đổi.
Thay vì những nguyên tắc tòa soạn truyền thống, nhà báo hiện đại đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn. Họ phải đưa ra các quyết định xuất bản ở đâu và khi nào, đóng vai trò tích cực trong việc mở rộng phân phối nội dung của mình, rồi theo dõi mức độ hiệu quả của việc ấy. Những yêu cầu này không chỉ đòi hỏi kỹ năng chuyên môn như biên tập, kỹ thuật, công nghệ... mà còn cả các kỹ năng quản lý, chiến lược thông tin...
Theo các chuyên gia, đối với phần lớn độc giả ngày càng được tiếp cận nhiều nguồn thông tin như hiện nay thì cách đưa tin chỉ nhằm vào sự kiện giật gân đã tỏ ra lỗi thời. Độc giả ngày nay không chỉ cần thông tin mà cần nhiều thông tin tích cực và những giải pháp nhằm làm cho thế giới tốt đẹp hơn.
Hơn nữa, trên thực tế, không phải thứ gì trực tuyến cũng dễ tìm. Có những phần thông tin bị rơi vào "điểm mù" của công cụ tìm kiếm, có những câu chuyện nằm rải rác trên hàng trăm trang, hoặc chỉ được chú ý đến khi được thu thập, kết hợp lại từ nhiều nguồn. Có những thông tin mà đường ranh giữa đúng và sai sự thật rất mỏng manh. Nhà báo là những người có khả năng rọi sáng vào những góc này.
Bổ sung góc nhìn kiến tạo
Dựa trên kinh nghiệm hàng chục năm làm giám đốc điều hành mảng tin tức tại Tập đoàn Truyền hình Đan Mạch, người sáng lập Học viện Kiến tạo (Đan Mạch) Ulrik Haagerup đã phân tích trong cuốn Tin tức kiến tạo (Constructive News) những ưu, khuyết điểm của cách thức làm truyền thông trong thời đại mới, đồng thời đưa ra đề xuất về việc cần bổ sung góc nhìn "kiến tạo" trong lĩnh vực báo chí.
Theo Ulrik Haagerup, con đường thành công của báo chí trong lĩnh vực đưa tin không phải là việc có thể đưa tin nhanh hơn mạng xã hội mà là đưa tin chất lượng hơn, đưa tin phù hợp và có ý nghĩa với cuộc sống của người dân. Báo chí phải trở thành người bạn, một người chỉ dẫn, một cơ quan uy tín của cộng đồng.
Thời đại mới đòi hỏi các nhà báo phải có "những phóng sự chất lượng, có khả năng khơi nguồn cảm hứng cho các giải pháp về những vấn đề mà xã hội đang gặp phải; tạo vai trò mới, có ý nghĩa hơn cho ngành báo chí. Đó là việc báo chí không nên chỉ phản ánh các vấn đề và tìm ra người phải chịu trách nhiệm, báo chí cũng cần giúp thúc đẩy đối thoại trong cộng đồng về cách giải quyết vấn đề đó”, ông Ulrik Haagerup nhận định.
Thực tế, ở Việt Nam, câu chuyện phát triển báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp đã được đặt ra từ lâu. Bởi lẽ, báo chí hay người làm báo cũng là một chủ thể trong xã hội, phải chủ động tham gia giải quyết các vấn đề xã hội chứ không tự xem mình là người đứng bên cạnh quan sát vấn đề. Tuy nhiên, trong bối cảnh các luồng thông tin ngày càng phong phú, đa chiều như hiện nay, việc đề ra giải pháp phải trở thành trách nhiệm của báo chí và nghĩa vụ của người làm báo. Làm tốt điều này, báo chí mới tròn sứ mệnh với quốc gia, dân tộc, đồng thời, đó cũng là con đường để báo chí sinh tồn và lớn mạnh trong thời đại số.