Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ các dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái” với mục đích xây dựng một thành phố an toàn, thân thiện với tất cả mọi người nhằm nâng cao vai trò và tham gia của Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội vào việc phòng ngừa, chấm dứt mọi hành vi quấy rối, xâm hại tình dục phụ nữ và em gái nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn, xây dựng thành phố an toàn và thân thiện hơn cho em gái.
Từ năm 2016, dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái” do Tổ chức Plan phối hợp với các đối tác Vụ Bình đẳng giới – Bộ Lao động, Thương binh và Xã Hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hà Nội, Trung tâm quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội, Trường Đại học giao thông vận tải Hà Nội, UBND huyện Đông Anh, Viện phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) được thực hiện hướng tới mục tiêu xây dựng những thành phố an toàn, thân thiện và có trách nhiệm với em gái, cũng như giải quyết các thách thức liên quan đến bình đẳng giới và quyền của trẻ em gái.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề còn tồn đọng cũng như những cách thức tháo gỡ, giải quyết và vai trò của các bên để hướng tới xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và em gái, đặc biệt là ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng.
Dù không phải là vấn đề mới nhưng tình trạng quấy rối tình dục nơi công cộng, đặc biệt với trẻ em gái, phụ nữ và nhóm LGBT vẫn đang diễn ra khá phổ biến với tính chất ngày càng phức tạp. Theo Báo cáo “Khảo sát an toàn của em gái ở nơi công cộng và trên phương tiện công cộng” của tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện năm 2014, có 31% trong số 1.128 các em gái được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt và chỉ có 13% em gái và 8% em trai cho rằng các em gái luôn luôn cảm thấy an toàn nơi công cộng.
Điều phối viên dự án, Tổ chức Plan International Việt NamĐào Thị Bảo Thư cho biết, sau hơn 7 năm thực hiện, chủ đề quấy rối tình dục đã được chú ý hơn, và cộng đồng đã nhìn nhận được sự nghiêm trọng của vấn đề này. Nếu như trước những năm 2014, quấy rối tình dục là vấn đề mọi người rất e ngại, thậm chí có người còn cho rằng không nên đề cập trong truyền thông thì sau nhiều năm, cụm từ này đã được lặp lại nhiều trên truyền thông và được tiếp nhận là vấn đề cấp thiết và cần được giải quyết. Ngoài ra, nhận thức của người dân về vấn đề này cũng đã được nâng cao, hiểu rõ rằng quấy rối tình dục không chỉ là những động chạm cơ thể mà còn là những lời nói, cử chỉ như nhìn chằm chằm, huýt sáo, lời nói trêu ghẹo, bình phẩm về cơ thể và ngoại hình...”